Những điểm nhấn của nền kinh tế Campuchia trong năm 2019

Du lịch, thương mại điện tử, cắt giảm ngày nghỉ lễ là 3 trong số 12 điểm nhấn của nền kinh tế Campuchia trong năm 2019.
Những điểm nhấn của nền kinh tế Campuchia trong năm 2019 ảnh 1Quang cảnh khu đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap, cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia 314km về phía tây bắc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật báo Khmer Times của Campuchia vừa đưa ra đánh giá về những kết quả nổi trội của kinh tế Campuchia trong các lĩnh vực du lịch, đầu tư và thương mại thông qua các điểm nhấn quan trọng.

Điểm nhấn đầu tiên là du lịch. Trong năm 2019, lượng du khách đến Campuchia đã tăng hai chữ số.

Bộ Du lịch nước này ghi nhận lượng khách đến “Đất nước Chùa Tháp” từ tháng 1-7/2019 tăng kỷ lục 11,2% so với cùng kỳ năm trước đó, trong đó số lượt khách đến thủ đô Phnom Penh tăng ấn tượng 27,9%, du lịch biển tăng 31,9% và du lịch sinh thái tăng 9,4%.

Năm 2018, lĩnh vực du lịch đạt doanh thu 4,35 tỷ USD, đóng góp 12,7% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia.

[Hoàng Anh Gia Lai xuất khẩu lô chuối đầu tiên từ Campuchia]

Điểm nhấn thứ hai là sự mở cửa của Chính phủ Campuchia đối với dự thảo luật thương mại điện tử.

Phnom Penh đã đạt được sự nhất trí về dự thảo luật thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng.

Luật này hướng tới tạo thuận lợi và điều chỉnh hoạt động kinh doanh trực tuyến đối với nhà đầu tư và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Ngoài ra, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cũng giới thiệu hai luật đầu tư mới đang được hệ thống hóa để thúc đẩy phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ) và hình thành cơ chế đầu tư minh bạch tại Campuchia.

Động thái này thể hiện chính sách thu hút đầu tư của Campuchia, hướng tới mục tiêu đưa nước này vào nhóm các nước có thu nhập ở mức trung bình cao vào năm 2030.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 8/2019, Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) đã thông qua 831 dự án đầu tư với tổng số vốn lên tới 22,5 tỷ USD.

Năm 2019, Chính phủ Campuchia đã có một số thay đổi nhằm thúc đẩy nền kinh tế như cắt giảm số ngày nghỉ lễ, tăng nguồn thu ngân sách từ thuế và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bắt đầu từ năm 2020, số ngày nghỉ lễ chính thức tại Campuchia sẽ giảm 6 ngày từ 28 ngày xuống 22 ngày/năm.

Động thái này nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước về môi trường làm việc tại Campuchia, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Campuchia.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Thuế do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tổ chức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Campuchia Kong Vibol đã thông báo mục tiêu thu thuế tăng hơn 5% trong năm 2019.

Nguồn thu thuế của Campuchia tăng trung bình 20%/năm trong 5 năm qua và từ tháng 1-6/2019 nguồn thu thuế của nước này đã đạt 1,5 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 3/2019, Diễn đàn Lĩnh vực Công-Tư đã hé mở một số biện pháp để tạo thuận lợi cho thương mại và hạ thấp chi phí kinh doanh.

Một trong những giải pháp được đưa ra là ngừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) hàng hóa xuất khẩu nếu các nước nhập khẩu không đòi hỏi giấy tờ này.

Tại Diễn đàn, Chính phủ Campuchia cũng thông báo sẽ rút vai trò giám sát của Tổng cục Xuất Nhập khẩu và Ngăn chặn Gian lận tại các cửa khẩu quốc tế, bao gồm các khu vực thông quan tại biên giới đất liền, cảng biển, đặc khu kinh tế và các trạm giám sát xuất nhập khẩu khác.

Cùng với đó, chính phủ cũng dành ngân sách 100 triệu USD để hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tại Campuchia thông qua Ngân hàng SME.

Theo Bộ Công nghiệp và Thủ công nghiệp Campuchia, nước này có hơn 520.000 SME, song chỉ có 150.000 SME đăng ký vay vốn.

Ngân hàng SME sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như chế tạo, du lịch, chế biến thực phẩm và các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ.

Theo Ngân hàng SME, các SME sẽ được hỗ trợ vay vốn dựa theo các sáng kiến và kế hoạch kinh doanh liên quan đến công nghệ nông nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm.

2019 cũng là năm đánh dấu sự kiện công ty khai thác dầu khí KrisEnergy hoàn tất khâu chuẩn bị khai thác những thùng dầu đầu tiên.

Kris Energy đã đạt được những bước tiến triển rõ rệt trong công tác chuẩn bị khai thác dầu mỏ tại Campuchia cuối năm 2019, đưa Campuchia vào hàng ngũ các nước sản xuất dầu trên thế giới.

Với sự nỗ lực của Chính phủ Campuchia và Kris Energy, việc khai thác những thùng dầu đầu tiên từ mỏ dầu Apsara trên biển Campuchia theo kế hoạch sẽ được tiến hành từ 1-6/2020 và công suất ước đạt 7.500 thùng/ngày.

Ngoài ra, chính phủ cũng thông báo giảm chi phí logistic (bao gồm chi phí xếp dỡ hàng và các phí dịch vụ khác tại các cảng ở Phnom Penh và Sihanoukville. Theo đó, phí xếp dỡ tại cảng (THC) giảm 5 USD/côngtenơ 20 feet.

Chính phủ Campuchia dự kiến năng lượng Mặt Trời sẽ đóng góp 15% vào tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2020.

Theo Tổng Công ty Điện lực Campuchia (EDC), sản lượng điện Mặt Trời ít nhất sẽ đạt 390 MW. Nhu cầu năng lượng của Campuchia tăng 50% từ tháng 1-6/2019 do nhu cầu gia tăng của các dự án xây dựng và đầu tư.

Tổng lượng điện tiêu thụ của Campuchia năm 2018 đạt 2.650 MW năm 2018, tăng 15% so với năm 2017.

Với những số liệu kinh tế tích cực, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng kinh tế của nước này ước tăng khoảng 7% trong năm 2019, nhờ xuất khẩu và lĩnh vực xây dựng tiếp tục vững vàng trong khi lạm phát duy trì ổn định ở mức khoảng 2,5%.

Trong khi đó, hoạt động thương mại giữa Campuchia và một số đối tác cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Campuchia ước đạt 1 tỷ USD trong năm 2019, trong khi giá trị buôn bán hai chiều giữa Campuchia với Thổ Nhĩ Kỳ ước đạt mức tương đương sau khi hai nước này thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Thương mại song phương Campuchia-Nhật Bản theo ước tính vào khoảng 1,9 tỷ USD năm 2019, tăng 0,44% so với năm 2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.