Những giải pháp để Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu PCI 2019

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ những sáng kiến, cách thức triển khai, việc duy trì hệ thống công quyền đạt hiệu quả và chất lượng phục vụ, giúp Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019.
Những giải pháp để Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu PCI 2019 ảnh 1Ban tổ chức trao xếp hạng PCI 2019 cao nhất cho đại diện tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Quốc Tuấn/TTXVN)

Đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 với điểm số 73,4 điểm, cao hơn gần 10 điểm so với mức điểm trung vị 65,13 của toàn bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ninh có lý do để tự hào vì đây là năm thứ 3 liên tiếp, địa phương này giữ ngôi vị quán quân của bảng xếp hạng.

Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp, Quảng Ninh đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Chia sẻ niềm vui với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết về những sáng kiến, cách thức triển khai, việc duy trì hệ thống công quyền sao cho đạt hiệu quả và chất lượng “phục vụ” đúng với tinh thần là “Chính phủ đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp."

- Thưa Chủ tịch, ông cảm nhận như thế nào về kết quả và thành tích đạt được của tỉnh Quảng Ninh trong bảng xếp hạng PCI 2019?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Tỉnh Quảng Ninh rất vinh dự khi nhận được kết quả đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp với mức hơn 73 điểm như báo cáo. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, khẳng định sự quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả theo đúng định hướng, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cũng như Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2030 hay Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Tỉnh Quảng Ninh đã có những sáng kiến như thế nào trong việc nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của bộ máy chính quyền địa phương thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Trong 15 năm qua, việc triển khai sáng kiến PCI đã được thực hiện rất bài bản, khoa học và liên tục cập nhật những phương pháp luận mới mẻ, phù hợp thực tiễn thông qua bộ chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành

Cách làm này đã giúp lãnh đạo tỉnh xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế, cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành cải cách và điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Chỉ số PCI đã giúp tỉnh Quảng Ninh nhận thức rõ những lĩnh vực cần cải thiện, nhận diện những khoảng cách về chính sách và thực thi chính sách cần phải lấp đầy, những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp cần phải tháo gỡ cũng như những kỳ vọng, mục tiêu cần hướng tới. Do đó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

Qua thực tiễn triển khai ở địa phương, chúng tôi thấy rằng để đảm bảo thành công thì nhân tố quan trọng là quyết tâm chính trị, tinh thần cạnh tranh, nỗ lực kiên trì và đặc biệt là tinh thần cầu thị, lắng nghe của chính quyền, tinh thần chủ động của doanh nhân với khát khao sáng tạo và bứt phá vươn lên. Đó là tinh thần mà Quảng Ninh luôn xây dựng, nỗ lực triển khai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn cũng như để duy trì, cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn theo sát, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tìm kiếm và chủ động thiết lập nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, các sở, ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Hệ thống công quyền luôn thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, đồng hành cùng doanh nghiệp với các giải pháp thiết thực. Điều này nhằm chăm sóc, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ những việc nhỏ nhất tạo niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp.

- Để đẩy mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân và thúc đẩy họ nhiệt tình tham gia phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã làm như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Qua nhiều năm xuyên suốt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tái cơ cấu chi tiêu công, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển để tạo vốn mồi.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để giúp giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)... đã tạo nền tảng cơ bản để tăng cường và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp; nhất là các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia hợp tác với tỉnh vào phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

[Chất lượng điều hành kinh tế nổi bật trong báo cáo PCI 2019]

Thực tiễn cho thấy tăng cường các hoạt động hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công tư một mặt tạo bệ đỡ vững chắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Mặt khác, tạo hấp lực để nguồn vốn tư nhân được đưa ra sử dụng hiệu quả, đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Song song với nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chính đáng, tỉnh Quảng Ninh luôn quản lý chặt, kiên quyết nói không với các doanh nghiệp có mục đích cơ hội, hành vi trục lợi, gian lận, làm tổn hại kinh tế, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, qua đó, tạo dựng và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, môi trường đầu tư an toàn-thân thiện và hấp dẫn tại tỉnh Quảng Ninh.

Chính nhờ những nỗ lực ấy, tỉnh Quảng Ninh đã đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 đạt 12,01%. Đó là mức tăng trưởng cao trong 4 năm liên tiếp trở lại đây và cũng là nằm trong nhóm dẫn đầu cả về tăng trưởng kinh tế.

Năm 2019, tổng thu ngân sách của tỉnh cũng đạt 46.641 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 34.625 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 6.135 USD/người/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,52%.

- Để tiếp tục duy trì vị trí và phong độ dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, tỉnh Quảng Ninh định hướng sẽ thực hiện các chủ trương, chính sách như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Thực hiện phương châm của Chính phủ năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả," tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, tạo đà bứt phá vươn lên mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp và tạo làn sóng mới từ các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong cả nước và nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, quyết định đầu tư.

Những giải pháp để Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu PCI 2019 ảnh 2Hoạt động giao dịch thanh toán tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hạ Long. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Với kết quả xếp hạng PCI 2019 đứng đầu cả nước, tỉnh Quảng Ninh xác định vai trò và trách nhiệm cao hơn. Một mặt cần tiếp tục phấn đấu cải thiện công tác điều hành kinh tế, mặt khác cần phối hợp với các tỉnh, thành phố khác để chia sẻ thực tiễn tốt, lan tỏa kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện Bộ công cụ PCI.

Tới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng xác định sẽ tiếp tục làm nhiều việc hơn nữa để duy trì vị trí PCI trong năm 2020 và tiếp tục khẳng định thương hiệu, hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và hấp dẫn, thúc đẩy sự lớn mạnh, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2020 và các năm tiếp theo được dự báo sẽ là giai đoạn khó khăn. Kinh tế xã hội và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại mọi địa phương sẽ còn gặp nhiều thách thức và năng lực cạnh tranh sẽ phần bào bị suy yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ nỗ lực hết mình, phấn đấu để luôn xứng đáng với niềm tin, sự trung thành, gắn kết và tình hữu nghị hợp tác giữa chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vì tương lai cùng phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.