Đến bây giờ, Đào Minh Tín - Trưởng Nhóm Tư vấn và hỗ trợ cộng đồng (CAB) Bình Dương vẫn nhớ như in về những ngày tháng đầy khó khăn vào giữa năm 2021, khi mà "cơn bão" đại dịch COVID-19 càn quét qua thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
"Chúng tôi vượt qua được tất cả những khó khăn, lao ra đường để đem thuốc đến cho người bệnh có HIV cần hỗ trợ. Chúng tôi biết người bệnh đang cần thuốc như thế nào, hiểu được những khó khăn chồng chất họ phải đối mặt trong đại dịch để tự thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn," Đào Minh Tín nói.
Những người vận chuyển đặc biệt
Tín kể, trong đại dịch COVID-19, những người có HIV là một trong những đối tượng mà bản thân luôn trong tình trạng suy giảm miễn dịch hơn những người bình thường. Nếu họ thiếu thuốc ức chế HIV và khi mắc thêm COVID-19 thì sức chịu đựng của cơ thể sẽ thêm bội phần nguy hiểm hơn.
[Bộ Y tế và USAID tăng cường vai trò của tư nhân phòng, chống HIV/AIDS]
Có những người không tiếp cận được thuốc ARV (thuốc điều trị HIV) sau đợt dịch COVID-19 tạm lắng xuống, khi họ xét nghiệm tải lượng virus tăng vọt sẽ là mối nguy cơ lớn cho người bệnh cũng như cộng đồng.
“Chính vì vậy, bằng mọi giá, chúng tôi phải đi vào mọi ngóc ngách ở nhiều tỉnh, thành khác nhau để kịp thời “chi viện” thuốc kháng virus HIV cho họ. Nhóm chúng tôi, cho đến nay có những bạn nhiễm COVID-19 tới 4-5 lần và rất may mắn ai cũng vượt qua an toàn,” Đào Minh Tín cho hay.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam bị phong tỏa do dịch bệnh, nhiều người có HIV cũng bị phong tỏa ở nơi làm việc, nơi ở cả tháng trời. Vì vậy, nguồn thuốc dành cho những người có HIV cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi họ không thể ra ngoài để được cấp phát thuốc.
Để giúp họ tiếp tục được điều trị thuốc ARV (thuốc điều trị HIV), Tín và các thành viên trong nhóm CAB Bình Dương trở thành những "người vận chuyển" đặc biệt mang thuốc đến cho người bệnh.
Anh nhớ lại, dù được cấp giấy thông hành, nhưng khi đến các trạm kiểm dịch, họ phải qua đủ các khâu khử khuẩn, rồi khi thuốc đến được tới nơi thì lại gặp khu vực phong tỏa; doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, mọi nguồn hàng đưa vào lại phải kiểm soát, khử khuẩn... Thậm chí, trong nhiều hoàn cảnh, các bạn trẻ đưa thuốc cho người bệnh cũng đa dạng với nhiều hình thức khác nhau như để ở hàng rào, gốc cột điện hay cuộn thuốc vào túi bóng, giấy để... ném qua tường. Có những người bị trễ thuốc 1 tuần, 10 ngày, thậm chí cả tháng, nhưng vẫn còn quá may mắn khi được tiếp cận thuốc.
Trong thời gian khó khăn này, nhóm CAB cũng được CDC Bình Dương hỗ trợ tối đa, cấp thẻ đi lại, tiêm vaccine sớm để các thành viên có thể hỗ trợ được cộng đồng có HIV trên địa bàn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Một câu chuyện khác được Đàm Huy Hoàng - Trưởng nhóm CAB Thái Nguyên chia sẻ về việc làm cầu nối để gắn kết sự “xung khắc” giữa người có HIV với chính bố mẹ họ.
Đó là trường hợp một bạn trai N.H.N. 18 tuổi (ở huyện Đình Hóa, Thái Nguyên) vừa đỗ đại học. Khi có HIV, bạn đã giấu bố mẹ. Nhưng một lần tình cờ, người mẹ phát hiện con uống thuốc nên bà đã lén xem tên thuốc, đi hỏi han và sốc, hoảng loạn khi biết con mình có HIV.
Trong khi người mẹ đau khổ, dằn vặt, chỉ biết khóc, thì người bố không kiềm được cơn giận dữ đã đánh đập, từ con, đuổi con ra khỏi nhà vì đã làm ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, dòng họ.
Khi tiếp cận N. Hoàng đã tới nhà trọ ở cùng, ăn cùng để tiếp cận trò chuyện và chia sẻ. Sau đó, Hoàng cũng tiếp cận người mẹ của N. để tư vấn, cung cấp cho bà những kiến thức về HIV, thuốc điều trị... để người mẹ hiểu căn bệnh này không có nghĩa là chấm hết. Người bệnh vẫn khỏe mạnh khi được điều trị, vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường, giảm nguy cơ lây nhiễm bởi được điều trị ARV...
“Khi đó, tôi mất cả tháng trời, cuối cùng người mẹ cũng đã mở lòng, dang tay ôm lấy cậu con trai mang trong mình virus HIV. Rồi người mẹ ấy lại là cầu nối để người bố nguôi giận, cho con trở về nhà,” Hoàng bồi hồi nhớ lại.
Hoàng cho rằng khó khăn nhất là khi tiếp cận các bệnh nhân có HIV, người trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) để cung cấp cho họ những kiến thức phòng bệnh, bởi hầu hết các bạn trẻ đều rất kín tiếng, e dè vì sợ kỳ thị khi mang trong mình căn bệnh này. Vì vậy, các các thành viên trong nhóm thực sự phải là những người bạn, chân thành hỗ trợ, lắng nghe những sẻ chia để họ tin tưởng, nói lên những khó khăn của bản thân, từ đó giúp đỡ và hỗ trợ họ thoát khỏi mặc cảm, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.
Cầu nối giữa cộng đồng đích với hệ thống y tế
Tín và Hoàng chia sẻ, khi mới bắt đầu công việc này, họ phải vượt qua định kiến của gia đình để trở thành những tuyên truyền viên kêu gọi mọi người xung quanh không kỳ thị người có HIV, trong bối cảnh số mắc mới HIV ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao.
Theo đánh giá của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), thực tế trong thời gian cao điểm xảy ra dịch COVID-19 tại Việt Nam, CAB đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm bớt sự gián đoạn hệ thống y tế khi các thành viên của nhóm đã kết nối đảm bảo việc điều trị liên tục đối với điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) thông qua điều hướng, chuyển tuyến và phân phối thuốc tại nhà trong thời gian phong tỏa do COVID-19.
Thống kê mới nhất được các nhóm CAB gửi về báo cáo Bộ Y tế cho thấy tại Hải Phòng, CAB đã giúp rút ngắn thời gian chờ khám dịch vụ từ 120 phút xuống còn 45 phút. Tại Bình Dương, thời gian chờ giảm xuống còn 15 phút; tăng tỷ lệ nhận thuốc nhiều tháng từ 67% (tháng 10/2019) lên 91% (tháng 1/2020) tại Thuận An, Bình Dương.
Đào Minh Tín chia sẻ về những ngày tháng đưa thuốc trong đại dịch COVID-19:
Cục Phòng chống HIV đánh giá cao mô hình CAB, bởi sau 2 năm triển khai thí điểm đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt khi mô hình này đã góp phần làm giảm, loại bỏ kỳ thị liên quan đến HIV - một cấu phần trọng tâm của mô hình CAB và giám sát cộng đồng, giúp Việt Nam đạt được chặng đường cuối cùng trong việc kiểm soát dịch.
Từ những thành công của CAB có thể hướng tới xây dựng một mô hình hợp tác lâu dài và bền vững giữa chính phủ và cộng đồng mà có thể được tiếp nối sang các bệnh khác và các môi trường khác.
Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã ban hành Quyết định 237/QĐ-AIDS ngày 13/10/2021 Hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế.
Hướng dẫn là cơ sở để Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh/thành phố, các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và các nhóm cộng đồng triển khai mô hình Nhóm tư vấn hỗ trợ cộng đồng./.
Nhóm Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (HTNCCLDV) - gọi tắt là nhóm CAB, là một nhóm bao gồm các thành viên của những người sống chung, có nguy cơ cao hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, hoặc thành viên của cộng đồng nhóm đích, tình nguyện tham gia. Nhóm CAB đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng đích (khách hàng nhận dịch vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS) với hệ thống y tế để thu thập "tiếng nói" của cộng đồng thông qua nhiều hình thức và cung cấp những thông tin phản hồi, tham gia thảo luận, cùng các cơ sở cung cấp dịch vụ đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng những dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. |