Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh-liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ mãi mãi tuổi 20 phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc” nhằm khẳng định giá trị của công trình xuất bản này với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.
Hội thảo đã thu hút được hơn 30 tham luận của các tác giả khắp mọi miền đất nước gửi về. Các tham luận đều được viết sâu sắc, công phu, ngợi ca các tác giả của những bức thư-những con người đa cảm và dũng cảm, ca ngợi hành động anh hùng của các nhân vật trong những bức thư thời chiến.
Các đại biểu tham dự hội thảo cùng nhau giải đáp những câu hỏi: Tại sao những trang viết của “Những lá thư thời chiến Việt Nam” lại có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ đến như vậy trong đời sống cộng đồng những năm qua? Tại sao nhiều nhà nghiên cứu đã coi đây là “Những trang sử trung thực, sinh động và thú vị nhất” do nhân dân sáng tạo ra? Giá trị của nó với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc như thế nào? Nếu coi cuốn sách là một di sản và một tài sản thì phải làm sao để thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau sẽ tiếp cận, khai thác tác phẩm này tốt nhất cho đời sống xã hội?
Hội thảo cũng được nghe nhiều câu chuyện xúc động xung quanh các bức thư thời chiến, trong đó có câu chuyện của thiếu tướng Phan Khắc Hy (nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Không quân, Phó Tư lệnh Bộ đội Trường sơn-Đường Hồ Chí Minh) về 500 lá thư ông gửi cho gia đình; bà Hoàng Phương Trang (Chánh văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã tiết lộ những lá thư của chồng mình - ông Trần Phương Thạc, một trong những thanh niên đầu tiên của Hà Nội vào chiến trường Quảng Trị, từ Phó Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm, Hà Nội năm 1964, trở thành Chủ tịch Ủy ban Quân quản Đông Hà năm 1972 và tiếp theo là Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của Quảng Trị năm 1975…
“Những lá thư thời chiến Việt Nam” là một trong những cuốn sách tiêu biểu, nằm trong công trình tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” của đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh trang trọng trong đợt tặng thưởng lớn nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã đánh giá rất cao tuyển tập “Những bức thư thời chiến Việt Nam,” cho đây là một công trình sưu tầm và giới thiệu độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc. Cuốn sách là kết quả của Cuộc vận động sưu tầm, biên soạn, xuất bản được tiến hành từ tháng 12/2004.
“Những lá thư thời chiến Việt Nam” là cuốn sách tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội: Từ Chủ tịch nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách này hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.
Các đại biểu cũng ghi nhận những bức thư thời chiến không phải từ ngòi bút tài năng và óc tưởng tượng dồi dào của nhà văn, mà từ suy nghĩ, từ tấm lòng, việc làm chân thực của người chiến sỹ ngoài mặt trận muốn bày tỏ với cha mẹ, vợ con, người yêu hoặc người thân ở hậu phương miền Bắc nên sức thuyết phục của nó mạnh hơn bất cứ tác phẩm nghệ thuật hư cấu nào. Hàng ngàn bức thư là hàng ngàn tâm sự, hàng ngàn sự việc chân thực, chân thành mà tác giả gửi tới gia đình, tới người thân, cho biết những điều sâu kín nhất, chân thực nhất xúc động nhất đang diễn ra trong thực tế cuộc chiến.
Cùng chung quan điểm đó, giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc nhấn mạnh chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Công trình “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do nhà văn Đặng Vương Hưng kỳ công thực hiện trong 10 năm (2005-2015) lại nhận được nhiều lời biểu dương, khen ngợi, sự ủng hộ và đồng thuận cao của dư luận xã hội đến vậy. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này đã tạo cảm hứng “khơi nguồn” cho sự ra đời của hàng trăm tác phẩm của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” và cả phong trào “Tiếp lửa truyền thống” giữa các cựu chiến binh và thế hệ trẻ cả nước, đã diễn ra sâu rộng hàng chục năm qua.
Là người trực tiếp nhận được một bức thư từ người anh nơi chiến trường gửi về, giáo sư Hoàng Chương ghi nhận mỗi bức thư của những chiến sỹ ở tiền tuyến gửi về cho gia đình đều mang thông điệp tinh thần, đã cổ vũ cho cha mẹ, vợ con và người yêu thêm nghị lực về sự hy sinh để vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc…/