Sông Chảy là một trong những dòng sông lớn ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Khi ngăn dòng sông Chảy làm thủy điện đã hình thành hồ nước nhân tạo lớn (hồ Thác Bà) thuộc địa phận huyện Yên Bình và Lục Yên (Yên Bái).
Nơi đây không chỉ có giá trị về thủy điện mà còn có nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống hai bên Đông hồ và Tây hồ, đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày.
Tuy nhiên, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở đây đang có nguy cơ bị mai một.
Để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, mảnh đất vùng Đông hồ thuộc huyện Yên Bình có nhiều người luôn cố gắng giữ gìn và vun đắp những truyền thống văn hóa dân tộc Tày.
Ông Hoàng Văn Thành sinh ra và lớn lên giữa bản làng ở vùng Đông hồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình; đây là nơi sinh sống, quần tụ bao đời nay của cộng đồng dân tộc Tày với nhiều nét đặc trưng còn lưu giữ.
Từ nhỏ, ông đã được nghe và đắm chìm trong những điệu khắp, cọi, phong slư, khảm hải... của mẹ.
Vì thế, những giai điệu đàn tính và các câu hát dân ca thấm đượm nghĩa tình đã sớm ăn sâu vào tâm trí ông. Cũng nhờ có chất giọng tốt, ông bắt đầu học và thuộc nhiều bài hát của đồng bào dân tộc mình.
Theo ông Thành, nhắc tới văn hóa Tày không thể thiếu những câu hát dân ca vừa trữ tình, đằm thắm, vừa sâu sắc, ý nghĩa.
[Màn rước sinh thực khí nổi tiếng trong hội Ná Nhèm của người Tày]
Nhiều cụ già đã ngoài 90 tuổi nhưng mỗi khi nhắc tới điệu hát then, hát cọi hay hát quan làng là lại say sưa cất giọng giống như thời còn trẻ.
Nếu như hát then, hát cọi vẫn còn thấy ở nhiều bản làng của người Tày, hát quan làng lại đang ngày một thưa vắng. Hát quan làng là hình thức hát đối đáp trong đám cưới giữa người đại diện của nhà trai và nhà gái.
Hát quan làng được đánh giá là một loại hình dân ca đặc sắc bởi dồi dào âm điệu và phong phú ý tình.
Nội dung chung của lời hát thường nói về các nghi thức đám cưới, lời chỉ bảo, răn dạy, chúc phúc, lời hát thay lời chào xã giao lịch sự... thể hiện tình cảm trân trọng, lối ứng xử tinh tế trong đời sống.
Người Tày nơi đây coi các làn điệu dân ca, cây đàn tính là thứ “đặc sản” tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ.
Họ đàn hát, thổi sáo không chỉ trong ngày vui, lễ hội mà còn trong cuộc sống hàng ngày từ xa xưa.
Gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương nên ông Thành hiểu bản thân phải biết trân trọng và giữ gìn chính mạch nguồn văn hóa đã nuôi nấng mình từ thuở bé.
Vì vậy, ông tham gia vào Câu lạc bộ văn hóa dân gian của các nghệ nhân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình với cương vị Phó Chủ nhiệm. Câu lạc bộ thành lập và duy trì hoạt động từ nhiều năm nay, là nơi để mọi người cùng chia sẻ với nhau về văn hóa truyền thống, nhằm khơi dậy trong lớp trẻ niềm đam mê văn hóa dân tộc mình.
Dù vẫn còn bộn bề công việc riêng nhưng chưa khi nào ông Thành từ chối việc truyền dạy lại các làn điệu dân ca, đánh đàn của mình cho mọi người.
Không chỉ có trách nhiệm truyền dạy cho các em nhỏ, ông Thành vẫn miệt mài cùng với những người có tâm huyết và am hiểu về văn hóa dân gian, để thảo luận và dịch các lời bài hát sang tiếng phổ thông cho nhiều người biết và học theo.
Đến nay, ông và các nghệ nhân khác đã cho ra đời nhiều cuốn sách về các làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Ông Hoàng Văn Thành tâm sự, qua thời gian, những làn điệu dân ca dần bị mai một nên ông đã cùng những người trong Câu lạc bộ Văn hóa dân gian cố gắng khôi phục lại làn điệu hát then cổ, hát văn quan làng, hát cọi…
Cùng với đó, ông còn sưu tầm lại những bài hát cổ ngày xưa của cha ông để truyền dạy lại cho các cháu. Đến nay, Câu lạc bộ đã truyền dạy cho các học sinh trong xã được 3 lớp hát then đàn tính và hát then lời cổ.
Nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo của ông và các cụ cao niên trong câu lạc bộ, nhiều học sinh đã dần quay lại với dân ca quê mình.
Tuy còn đôi chút bối rối trong những ngón đàn, còn ngại ngùng trong lời ca, tiếng hát nhưng sự nỗ lực qua mỗi buổi tập, sự tiếp thu của các em đã góp phần trong việc gìn giữ, lưu truyền vốn văn hóa quý báu của dân tộc.
Em Hoàng Thị Chi, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình chia sẻ, em theo học hát then đàn tính của dân tộc mình đã được 4 năm.
Lúc mới đầu học, em còn gặp nhiều khó khăn từ cách cầm đàn rồi đến từng ngón đàn, lời hát. Nhưng với sự quyết tâm học, đến nay em đã học được cách cầm đàn, đánh từng ngón đàn và hát rành rọt hơn.
Ngoài ra, văn hóa của người Tày còn thể hiện trong những bộ trang phục truyền thống. Những bộ trang phục này được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí; quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công.
Nhờ những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày, những tấm thổ cẩm vô cùng đặc sắc. Những tấm thổ cẩm này có thể may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc.
Áo của phụ nữ Tày thường là loại áo năm thân, dài quá bắp chân, thân áo và tay bó hẹp lấy người. Bộ quần áo của dân tộc Tày bao gồm khăn, áo, quần, dây lưng, vòng bạc đeo trên cổ và bộ xà tích đeo bên hông.
Những vật dụng đặc trưng ấy đến nay vẫn được các bà, bác mẹ giữ gìn trong các gian nhà của đồng bào Tày, mỗi khi có dịp là cùng nhau mặc đi chơi hội, chơi xuân.
Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Vi Thị Linh ở xã Xuân Lai vẫn miệt mài, giữ gìn được nghề may áo truyền thống của người Tày.
Những bộ quần áo truyền thống của dân tộc Tày vẫn được bà gìn giữ đậm chất các chi tiết với vải lanh truyền thống.
Sản phẩm bà làm ra không chỉ phục vụ người dân trong xã mà còn phục vụ người dân các tỉnh như Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng…
Bà cho biết, với mong muốn truyền dạy lại nghề may áo truyền thống cho thế hệ trẻ nên bà đã tham gia vào Câu lạc bộ Văn hóa dân gian để thu hút lớp trẻ theo học may, dệt thổ cẩm.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình cho biết, ông Thành và bà Linh là hai người đã giúp ông rất nhiều trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày, đặc biệt là ông Thành.
Ông Thành là người hát then đàn tính rất tốt và đạt giải Nhì tại Liên hoan hát Then đàn Tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái toàn quốc lần thứ VI, năm 2018.
Với sự nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao, ông Thành sẽ là người nối tiếp để tiếp tục truyền dạy những điệu hát then đàn tính, hát then lời cổ cho thế hệ sau này.
Việc giữ gìn được các làn điệu dân ca hay những bộ trang phục truyền thống của các nghệ nhân đã góp phần lưu truyền và khẳng định giá trị văn hóa Tày cổ trong cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống bên dòng sông Chảy.
Đặc biệt, hiện nay, vùng Đông hồ đã hình thành nhiều mô hình du lịch văn hóa cộng đồng của các bạn trẻ, nhằm giới thiệu văn hóa đặc sắc, truyền thống đồng bào dân tộc Tày đến với các du khách khi đến tham quan, để họ hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc này./.