Những người giữ tiếng vang của làng trống hơn 1.000 năm tuổi

Làng trống Đọi Tam (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được biết đến bởi đã làm ra chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời thể hiện nét văn hoá đặc trưng của người Việt.

Làng nghề trống Đọi Tam, nằm dưới chân núi Đọi - một trong những ngọn núi có vị thế và cảnh đẹp ở Hà Nam. Đây cũng là quê hương của hai quả trống Sấm lớn nhất Việt Nam và giàn trống hội phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Nghề làm trống ở Đọi Tam có lịch sử trên 1.000 năm. Người già đến trẻ nhỏ xã Đọi Sơn đều thuộc lòng truyền thuyết về hai anh em ông tổ làng nghề Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Khi xưa, nghe tin vua Lê Đại Hành sắp về làng làm Lễ tịch điền để khuyến nông, hai ông liền về nhà hạ cây mít trong vườn, thịt con trâu lấy bộ da để làm trống đón vua. Mùa xuân năm Thiên Phúc thứ 7 thời vua Lê Đại Hành (tức năm 987), Ngài đã xuống ruộng hành lễ tịch điền ở Đọi Sơn trong tiếng trống của anh em Năng, Bản.

Cũng chính bởi tiếng trống vang như sấm mà sau này hai ông được tôn làm Trạng Sấm và Đọi Sơn là làng nghề hiếm hoi trong cả nước biết rõ được năm sinh, năm mất của cụ tổ nghề Nguyễn Đức Năng (925-990).

Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề làm trống và sản phẩm trống Đọi Tam luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Trống của làng nghề Đọi Tam là một sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng sử dụng khác nhau như: Trống thờ, trống trong đời sống nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng là công cụ truyền tải thông tin… Vì vậy, nghề làm trống và sản phẩm trống có một giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật nhất định trong lịch sử dân tộc nước nhà.

Làng Đọi Tam nay có hơn 700 hộ thì có gần 600 thợ làm trống lành nghề và 4 nghệ nhân ngoài lao động sản xuất ngay tại địa phương. Ông Lê Ngọc Hùng, một nghệ nhân và cũng là chủ cơ sở sản xuất trống lớn ở Đọi Tam cho biết đến nay cơ sở của ông đã xuất hàng chục nghìn quả trống các loại...

Chia sẻ về bí quyết thành công của nghề trống Đọi Tam, ông Hùng cho hay để có được chiếc trống tốt thì quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu.

“Gỗ phải là loại gỗ mít già, có độ cong theo đúng yêu cầu từng loại trống. Da trâu được nạo sạch mặt, sau đó căng, phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống để dai, không mục, mủn. Nhưng để có được tiếng trống như ý thì phụ thuộc vào tay nghề của người làm, vì mỗi loại trống có yêu cầu về âm thanh khác nhau như độ vang, rền và độ đanh. Nếu trống trường âm thanh phải vang, rền còn trống chèo lại đòi hỏi âm thanh trầm lắng hơn... đấy chính là bí quyết được tích lũy suốt mấy trăm năm và chỉ truyền trong dòng họ,” ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ làm nghề, cơ sở sản xuất trống, xưởng của ông Hùng còn dày công dạy và truyền nghề cho nhiều thế hệ trẻ trong làng.

Đối với ông Hùng, điều quan trọng nhất không phải là danh tiếng mà là cái tâm của người thợ. Người thợ làm nghề không chỉ cần sự tâm huyết, sáng tạo, tìm tòi, khai thác cái mới, mà còn luôn có ý thức giữ gìn, “thắp lửa” cho thế hệ sau. Đó mới là người thợ giỏi “giữ lửa và truyền lửa.”

Hiện trên địa bàn thôn Đọi Tam có 62 cơ sản xuất kinh doanh trống. Nhờ có nghề truyền thống, nhiều năm gần đây thôn Đọi Tam không còn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, đời sống của người dân từng bước được cải thiện...

Những người giữ tiếng vang của làng trống hơn 1.000 năm tuổi ảnh 1Nhờ có nghề truyền thống, đời sống của người dân trong làng từng bước được cải thiện và nâng cao. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Với bản tính năng động, nhạy bén ng­ười thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm luôn đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Đó là sự đa dạng hoá các sản phẩm, sáng tạo nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình.

[Độc đáo nghề làm mây tre đan trăm năm tuổi ở Bắc Giang]

Tháng 11/2007, làng trống Đọi Tam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam." Trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đọi Tam đã đóng góp gần 2.000 trống lớn, nhỏ, trong đó có chiếc trống to nhất Việt Nam và khu vực với chiều cao 3,1m, đường kính 2,35m, nặng khoảng 1.300kg. Đây là sự cố gắng nỗ lực của chính quyền cơ sở và người dân làng nghề, là động lực để các nghệ nhân ở Đọi Tam bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Nghệ nhân Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam, cho biết việc giữ được sự tồn tại của làng nghề đã khó, phát triển và nâng cao uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm càng khó hơn, điều đó đã được minh chứng ở Đọi Tam.

Nhờ nghề làm trống, đời sống người dân ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Cùng với sự trù phú của một vùng quê Đồng Chiêm, làng trống Đọi Tam như một nét văn hóa độc đáo ẩn hiện khoa từng sắc màu và thanh âm, những sản phẩm mang đậm hết xưa đang hòa quyện trong vẻ thanh tân của một vùng quê đổi mới.

(Vietnam+)