Những người tác nghiệp với tử thi: Cần sự cảm thông của xã hội

Không quản ngày hay đêm, mưa hay nắng, gần hay xa, mỗi khi có thông báo trưng cầu giám định pháp y của cơ quan điều tra, các bác sỹ pháp y lập tức xuống hiện trường để thực hiện nhiệm vụ.
Bác sỹ pháp y làm công tác xác định nhân thân của nạn nhân thiệt mạng trong vụ đắm thuyền du lịch Dìn Ký ở Bình Dương, tháng 5/2011. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Giám định thương tật cho người sống, truy tìm nguyên nhân tử vong của người chết… là công việc của bác sỹ pháp y. Khối lượng công việc nhiều, áp lực càng nặng nề hơn khi bác sỹ pháp y là trung tâm của nhiều sự chú ý. Thế nhưng nghề bác sỹ pháp y lại ít được xã hội vinh danh, mà có lúc, có khi còn bị xem nhẹ.

Tác nghiệp với các tử thi

Không quản ngày hay đêm, mưa hay nắng, gần hay xa, mỗi khi có thông báo trưng cầu giám định pháp y của cơ quan điều tra, các bác sỹ pháp y lập tức xuống hiện trường để thực hiện nhiệm vụ. Các bác sỹ pháp y tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, nơi nào cần là họ sẵn sàng có mặt.

Tiếp chúng tôi sau ca khám nghiệm tử thi, bác sỹ Mai Quang Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhân sự của trung tâm là 40 người nhưng chỉ có 4 bác sỹ là giám định viên được trực tiếp mổ tử thi, do vậy chúng tôi phải làm việc liên tục.

“Theo quy định của nhà nước với một số ngành đặc thù, người lao động được làm thêm 300 giờ/năm nhưng với chúng tôi 300 giờ đó được sử dụng hết chỉ trong vòng 3-4 tháng. Thật ra, khi bên cơ quan điều tra trưng cầu giám định tử thi, chúng tôi có quyền từ chối nhưng ai cũng nghĩ, nếu mình không làm thì ai sẽ làm và nếu để vài ngày sau mới mổ tử thi sẽ ảnh hưởng đến công tác điều tra cũng như chuyện mai táng cho người đã khuất. Do vậy dù bận đến mấy chúng tôi vẫn phân công nhau làm để hoàn thành công việc. Không chỉ vậy, công việc nhiều và đột xuất nên chúng tôi không có ngày phép.”

Với đặc điểm là thành phố đông dân và có nhiều quận, huyện ngoại thành xa xôi, không thể chuyển tử thi về Trung tâm Pháp y nên các bác sỹ pháp y ở Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ra tận hiện trường để khám nghiệm tử thi.

Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyền (nguyên Giám đốc Trung tâm Pháp y thành phố, bác sỹ pháp y đầu tiên của thành phố) cho biết thêm: “Việc bác sỹ pháp y phải ra tận hiện trường để khám nghiệm tử thi là chuyện quá bình thường. Từ trung tâm thành phố một ê kíp gồm một giám định viên và hai người phụ thường xuyên phải chạy xe gắn máy đến các quận, huyện xa như Cần Giờ, Củ Chi… nhiều lúc tới nơi trời đã nhá nhem tối nhưng chúng tôi vẫn phải dựng lều, thắp đèn để làm.”

Tâm sự về công việc của mình, bác sỹ Tuyền cho hay, nhiều khi cũng chạnh lòng vì mình cũng là bác sỹ nhưng đối tượng tác nghiệp phần lớn lại là các tử thi. Hơn nữa, đối với bác sỹ điều trị sau khi tốt nghiệp là đã có thể đi làm tại các bệnh viện, hay mở phòng mạch để có thêm thu nhập. Trong khi đó, muốn trở thành bác sĩ pháp y sau khi tốt nghiệp Đại học Y phải làm trong ngành pháp y từ 3-5 năm và phải học thêm một khóa giám định viên thì mới được công nhận là bác sỹ pháp y.

“Công việc vất vả và chịu nhiều thiệt thòi nhưng hơn 40 năm gắn bó với nghề tôi càng thêm yêu nghề. Công việc của chúng tôi dẫu có thầm lặng, ít người biết đến nhưng lại giúp ích được cho điều tra tội phạm cũng như giúp cho các bác sỹ điều trị nâng cao tay nghề,” - Bác sỹ Tuyền nhấn mạnh.

Cần được cảm thông

Trong công việc của mình, những người bác sỹ pháp y còn phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn, nguy hiểm như bị gia đình của người tử nạn lăng mạ, bị kẻ ác "chơi xấu" vì góp phần vén bức màn sự thật, thường xuyên ra tòa… đó là những gì mà các bác sỹ pháp y phải gánh chịu. Vất vả là vậy nhưng các bác sỹ pháp y vẫn luôn tận tâm với công việc. Bởi họ luôn có niềm tin rằng rồi mọi người sẽ hiểu rõ ý nghĩa công việc của họ.

Không ít những vụ tai nạn giao thông, những cái chết bất đắc kỳ tử mà nhờ kết quả giám định tử thi đã giải oan được cho nhiều người.

Bác sỹ Mai Quang Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Không phải vụ tai nạn giao thông nào cũng do hai xe va chạm gây nên cái chết thương tâm mà có thể do người lái xe đột nhiên bị đột quỵ nên đã xảy ra tai nạn.

"Chẳng hạn trong trường hợp ôtô đâm môtô, qua giám định tử thi, chúng tôi xác định được nguyên nhân gây nên cái chết không phải là do các vết thương do va chạm mà do người điều khiển môtô bị nhồi máu cơ tim hay bị xuất huyết não khi đang lái xe, do đó tự ngã xuống hoặc lao vào ôtô. Nhờ vậy, người lái xe ôtô được xác định vô tội. Nhưng nếu không có sự can thiệp của bác sỹ pháp y thì có thể người điều khiển ôtô sẽ bị oan sai," bác sỹ Trường phân tích.

Hay có những ca tử vong không rõ nguyên nhân nhưng nhờ bác sỹ pháp y can thiệp mới phát hiện người này chết do bị đầu độc, từ đó việc điều tra làm rõ ai đầu độc nạn nhân được tiến hành nhanh chóng.

Đối với những cái chết trong các vụ án mạng hay những cái chết bất đắc kỳ tử buộc phải có sự can thiệp của bác sỹ pháp y nhưng vì quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng nên các bác sỹ pháp y đã phải chịu không ít những lời miệt thị, đe dọa của gia đình nạn nhân.

Bác sỹ Nguyền Văn Tuyền kể, có lần ông phải khám nghiệm tử thi cho một em bé bị rơi xuống sông. Cả gia đình nạn nhân ngăn cản không cho tới gần xác của nạn nhân. Phải có công an, dân phòng bảo vệ bên ngoài thì các bác sỹ mới có thể tiến hành được công việc. Thậm chí, vì thường xuyên ra tòa minh oan cho người vô tội nên có nhiều bác sỹ pháp y không thoát khỏi cảnh bị kẻ thủ ác trả thù bằng nhiều hình thức như đâm xe, gửi thư đe dọa…

“Ai cũng chê nghề này ghê rợn. Chúng tôi phần nào hiểu được lý do nhưng chúng tôi vẫn tin rằng mọi người sẽ nhận ra sự cần thiết và ý nghĩa của nghề này để từ đó cảm thông với công việc của chúng tôi và sẽ có thêm nhiều sinh viên ngành y lựa chọn nghề bác sỹ pháp y," bác sỹ Tuyền tâm sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục