Những rủi ro an ninh ở Biển Đỏ làm gián đoạn thương mại toàn cầu

Công ty vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk cho biết căng thẳng ở Biển Đỏ buộc các tàu phải di chuyển qua Mũi Hảo Vọng khiến mỗi chuyến khứ hồi kéo dài thêm khoảng 3 tuần và tăng thêm 50% chi phí.

Tàu thuyền chuẩn bị di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu thuyền chuẩn bị di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng Houthi trên Bán đảo Arab đã tấn công các tàu chở hàng trên Biển Đỏ kể từ khi xảy ra xung đột Israel-Hamas hồi tháng 10/2023.

Trong một tuyên bố cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói đã có 27 vụ tấn công tàu chở hàng nên nhiều công ty vận tải biển đã tạm dừng qua lại Biển Đỏ và Kênh đào Suez, chuyển hướng đi tuyến đường dài hơn nhiều quanh Mũi Hảo Vọng.

Việc đi đường vòng khiến việc giao hàng bị chậm trễ và tăng thêm chi phí. Cùng với đó là chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Biển Đỏ, nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua Kênh đào Suez, là tuyến đường thương mại quan trọng, vận chuyển tới 12% khối lượng thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường quan trọng này đã giảm đáng kể do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) của Đức, khối lượng container được vận chuyển qua khu vực này trong tháng 12/2023 đã giảm hơn một nửa và hiện thấp hơn gần 70% so với khối lượng bình thường.

Ông Julian Hinz, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại của IfW, nói rằng việc định tuyến lại các tàu quanh Mũi Hảo Vọng có nghĩa là thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các trung tâm sản xuất châu Á và người tiêu dùng châu Âu bị kéo dài đáng kể, lên tới 20 ngày.

Ông giải thích: “Điều này cũng được phản ánh qua số liệu thương mại sụt giảm của Đức và Liên minh châu Âu (EU), vì hàng hóa vận chuyển hiện vẫn còn trên biển và chưa được dỡ xuống cảng theo kế hoạch.”

Tuần trước, nhà sản xuất ôtô điện Tesla đã thông báo sẽ tạm dừng sản xuất tại nhà máy Grünheide ở bang Brandenburg, Đức trong hai tuần kể từ cuối tháng 1/2024 với lý do "thiếu linh kiện."

Hiệp hội Chủ tàu Đức (VDR) cho biết tình hình hiện tại khiến thời gian giao hàng bị kéo dài, cũng như lượng khí thải tăng và chi phí cao hơn cho các công ty vận tải.

Công ty vận tải biển Hapag-Lloyd của Đức, lớn thứ năm toàn cầu, tính toán hành trình của các tàu sẽ kéo dài thêm bảy ngày trên tuyến từ Viễn Đông đến bờ Đông của Mỹ, thậm chí lên tới 12 ngày đối với các điểm đến ở Bắc Âu. Chi phí tăng thêm mỗi tháng lên tới hàng chục triệu euro.

Công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, Maersk (Đan Mạch), cho biết mỗi chuyến đi khứ hồi giờ kéo dài thêm khoảng ba tuần và tăng thêm 7.000km nữa, làm tăng chi phí cho mỗi chuyến đi khoảng 50%.

Tuy nhiên, có vẻ như những người tham gia thị trường đã rút ra bài học từ việc đóng cửa Kênh đào Suez vào năm 2021, tác động của đại dịch COVID-19 và hậu quả từ xung đột Nga-Ukraine nên đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống khủng hoảng.

Các nhà bán lẻ ở Đức không cho rằng các kệ hàng sẽ bị trống ngay lập tức. Ông Stefan Hertel, người phát ngôn của Liên đoàn Bán lẻ Đức (HDE) nói rằng trước mắt sẽ không có tình trạng thiếu hàng rõ rệt trong ngắn hạn hoặc trung hạn nhờ quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn.

Tuy nhiên, tình hình có thể xấu đi trong những tuần tới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán khi các nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa từ hai đến bốn tuần kể từ ngày 10/2.

Do đó, nhiều khách hàng đang cố gắng đặt hàng trước. Các nhà quan sát cũng đã cảnh báo tình trạng thiếu container ở cảng Ninh Ba, Trung Quốc.

Tình trạng này được Maersk xác nhận. Hãng nói rằng không chỉ lịch trình của các tàu bị gián đoạn, mà còn thiếu container rỗng, vốn cần quay trở lại châu Á để xếp hàng: “Không có container rỗng là một vấn đề lớn."

Tàu của Maersk cũng từng là mục tiêu tấn công của Houthi hồi giữa tháng 12/2023, khiến công ty này phải đình chỉ giao thông qua Biển Đỏ “trong tương lai gần”.

Hapag-Lloyd hiện cũng không có ý định đưa tàu của mình quay trở lại Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Họ cho biết sẽ chỉ làm như vậy “khi mức độ đe dọa thay đổi từ nghiêm trọng thành không nguy hiểm."

Hiệp hội Chủ tàu Đức thường không đưa ra các đánh giá rủi ro riêng lẻ mà các công ty vận tải biển phải tự tổng hợp và tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, họ nói rằng sau những sự cố an ninh gần đây, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vào các tàu buôn dân sự ở khu vực hàng hải bị ảnh hưởng hiện rất cao.

Giám đốc điều hành Maersk, ông Vincent Clerk, cho biết vấn đề phải được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Ông nói: “Chúng tôi đang kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động và làm những gì cần làm để mở lại eo biển Bab-el-Mandeb. Đây là một trong những huyết mạch chính của nền kinh tế toàn cầu và hiện đang bị tắc nghẽn.”

Công ty vận tải biển Hapag-Lloyd của Đức cũng rất mong muốn tuyến đường hàng hải này được bảo vệ. Họ hoan nghênh sự tham gia quân sự của Chính phủ Đức trong việc đảm bảo tuyến đường này.

Chính phủ Đức đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc tấn công quân sự do Mỹ, Anh và các đồng minh khác dẫn đầu nhằm vào các vị trí của Houthi ở Yemen vào tối 11/1, vì nó “phù hợp với quyền tự vệ của cá nhân và tập thể theo Hiến chương Liên hợp quốc.”

Khi được hỏi Chính phủ Đức dự định tham gia như thế nào vào việc đảm bảo vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ và khi nào Berlin đưa ra quyết định, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trả lời rằng các nhà lãnh đạo nước này và EU đang nỗ lực nhanh chóng xác định cách thức tăng cường sự ổn định ở Biển Đỏ hay góp phần vào sự ổn định này. Tuy nhiên, quyết định này phải được đưa ra trong khuôn khổ chung của châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.