Niềm tin kinh doanh của Đức tăng tháng thứ bảy liên tiếp

Theo viện Ifo, chỉ số niềm tin kinh doanh tháng 4 - được dựa trên cuộc khảo sát khoảng 9.000 công ty, đã tăng lên 93,6 điểm, từ mức 93,2 điểm trong tháng 3, và là tháng thứ bảy tăng liên tiếp.
Niềm tin kinh doanh của Đức tăng tháng thứ bảy liên tiếp ảnh 1Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Duesseldorf, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khảo sát của viện kinh tế Đức Ifo công bố ngày 24/4 cho hay niềm tin kinh doanh của Đức đã tăng lên trong tháng 4.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự lạc quan về giá năng lượng giảm và Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa vì đại dịch COVID-19 đang bị chi phối bởi những lo ngại về lãi suất tăng.

Theo viện Ifo, chỉ số niềm tin kinh doanh tháng 4 - được dựa trên cuộc khảo sát khoảng 9.000 công ty, đã tăng lên 93,6 điểm, từ mức 93,2 điểm trong tháng 3, và là tháng thứ bảy tăng liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng này yếu hơn mức dự kiến 94 điểm theo khảo sát do Công ty dữ liệu tài chính FactSet thực hiện.

Chủ tịch Ifo, Clemens Fuest, cho rằng những lo ngại của các doanh nghiệp Đức đang giảm dần, nhưng nền kinh tế vẫn thiếu động lực.

Các nhà sản xuất đã khôi phục hoạt động trong ngắn hạn nhờ giá năng lượng giảm và việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING cảnh báo rằng nền kinh tế Đức vẫn còn “cách xa mức tăng trưởng mạnh” và nước này sẽ tiếp tục đối mặt với suy thoái.

Ông nói: "Nửa cuối năm là thời điểm mà tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ sẽ bộc lộ hoàn toàn và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Đức."

Số liệu tăng trưởng sơ bộ trong quý 1 của Đức sẽ được công bố vào ngày 28/4, và các thị trường đang chờ đợi xem liệu nền kinh tế này có sụt giảm trong quý thứ hai liên tiếp hay không.

Trong dự báo được công bố ngày 5/4, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu nước này cho rằng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023.

Dự báo được đưa ra từ một nghiên cứu chung của Viện Ifo, Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz, Viện kinh tế thế giới Kiel và Viện nghiên cứu kinh tế RWI.

[Kinh tế Đức thoát suy thoái "trong gang tấc," tăng trưởng khiêm tốn]

Trước đó, trong dự báo hồi cuối năm 2022, các viện nghiên cứu này cho rằng nền kinh tế Đức sẽ suy thoái ở mức âm 0,4% trong năm 2023. Còn trong báo cáo kinh tế hàng năm công bố hồi tháng Một năm nay, Chính phủ Đức dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong năm 2023 là 0,2%.

Theo chuyên gia Timo Wollmershäuser từ Viện Ifo, suy thoái kinh tế Đức trong nửa mùa Đông năm 2022-2023 sẽ ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại hồi cuối năm ngoái.

Yếu tố quyết định là sự suy giảm sức mua đã bớt trầm trọng hơn dự báo do giá năng lượng hiện tại đã giảm đáng kể. Điều này tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Tuy nhiên, chuyên gia Timo Wollmershäuser cũng cho biết tỷ lệ lạm phát sẽ chỉ giảm dần từ mức 6,9% năm ngoái xuống 6,0% trong năm nay. Nguyên nhân là do các biện pháp cứu trợ của Chính phủ Đức và đợt tăng lương vừa qua đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở trong nước và giữ lạm phát ở mức cao.

Áp lực từ các biện pháp này sẽ chỉ giảm bớt từ năm 2024 tới và tỷ lệ lạm phát khi đó được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,4%, đồng thời Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ tăng mạnh trở lại, ở mức 1,5%.

Về thị trường lao động, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức dự báo số người có việc làm sẽ tăng từ 45,6 triệu vào năm 2022 lên 45,9 triệu năm 2023 và 46,0 triệu năm 2024.

Số người thất nghiệp trong năm nay sẽ tạm thời tăng từ 2,42 triệu lên 2,48 triệu, vì những người tị nạn từ Ukraine khó có thể tìm được việc làm ngay lập tức. Tuy nhiên, trong năm tới, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,41 triệu người.

Về thâm hụt ngân sách quốc gia, các viện nghiên cứu cho rằng trong năm nay, thâm hụt ngân sách của Đức sẽ giảm nhẹ xuống còn 2,2% GDP danh nghĩa, vì hiện tại chính phủ vẫn cần mở rộng các khoản chi tiêu ngân sách. Chỉ tới năm 2024, thâm hụt ngân sách mới có thể giảm xuống còn 0,9%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.