Trong các ngày 3-4/9, Đoàn công tác do ông Joo Nak-Young, Thị trưởng thành phố Gyeongju của Hàn Quốc, dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 địa phương; đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử, xây dựng và phát triển đô thị di sản Cố đô.
Tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn sáng 4/9 có ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cùng một số cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Đoàn Minh Huấn đã cảm ơn Đoàn công tác thành phố Gyeongju đã tới thăm, làm việc tại địa phương; đồng thời, giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, lịch sử, các tiềm năng, thế mạnh cũng như định hướng phát triển của tỉnh.
Ninh Bình cách Thủ đô Hà Nội gần 100km về phía Nam, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Đặc biệt, đây là vùng đất cố đô, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong 42 năm (từ năm 968 đến 1010); nơi phát tích của 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý. Địa phương cũng là nơi duy nhất của Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An.
Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Địa phương luôn kiên định thực hiện chiến lược phát triển “Xanh và bền vững, hài hòa.”
Hiện, tỉnh là một trong 3 trung tâm sản xuất ôtô lớn nhất Việt Nam và hướng tới trở thành trung tâm sản xuất ôtô lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, Ninh Bình rất phát triển trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông sản, thực phẩm...
Ông Đoàn Minh Huấn mong muốn thời gian tới, tỉnh Ninh Bình với thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như bảo tồn di sản Cố đô; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đô thị di sản Cố đô mà Hàn Quốc có rất nhiều kinh nghiệm; trao đổi các đoàn nghệ thuật trong việc tổ chức các Festival, các chương trình nghệ thuật lớn để tăng tính quốc tế hóa các sự kiện.
Hai bên tăng cường kết nối các doanh nghiệp thông qua vai trò của chính quyền hai địa phương; tăng cường xúc tiến các hoạt động du lịch. Ngoài những lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật, thành phố Gyeongju có nền công nghiệp công nghệ cao rất phát triển. Đây là thế mạnh mở ra cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Ninh Bình mong muốn thành phố Gyeongju tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng chương trình hợp tác, kết nối giữa thành phố Gyeongju và tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Joo Nak-Young, Thị trưởng thành phố Gyeongju cảm ơn tỉnh Ninh Bình đã dành cho Đoàn sự tiếp đón nhiệt tình; đồng thời đánh giá, Ninh Bình có cảnh quan thiên nhiên đẹp với các điểm tham quan hấp dẫn.
Ông Joo Nak-Young cho rằng, tỉnh Ninh Bình và thành phố Gyeongju có nhiều điểm tương đồng về lịch sử khi đều là cố đô. Ninh Bình có triều đại vua Đinh, vua Lê, tại Gyeongju có triều đại Silla hàng trăm năm.
Thành phố Gyeongju đã được UNESCO ghi nhận là Thành phố di sản thế giới. Hiện, Gyeongju đang tiến hành khai quật các di tích khảo cổ học để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn. Do đó, thành phố sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm có được trong lĩnh vực khảo cổ, bảo tồn di sản văn hóa với Ninh Bình.
Ngoài ra, thành phố Gyeongju rất phát triển về công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất ôtô. Hiện, toàn thành phố có 1.300 nhà máy, cơ sở sản xuất phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô. Gyeongju cũng chú trọng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có đặc sản quả lê Hàn Quốc và cà chua là những thế mạnh.
Ông Joo Nak-Young cho biết sẽ trao đổi với Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam về thế mạnh trong chế biến nông sản của tỉnh Ninh Bình và kết nối xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Trước đó, Đoàn công tác thành phố Gyeongju đã đến một số điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình như phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình;, Khu du lịch sinh thái Tràng An và dâng hương tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư./.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu của du khách Hàn Quốc trong Hè 2024
Ngày càng nhiều khách du lịch Hàn Quốc lựa chọn các điểm du lịch nước ngoài có khoảng cách gần trong kỳ nghỉ lễ, hoặc đi nghỉ sớm để tránh mùa cao điểm, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí.