Ninh Thuận sẵn sàng điều kiện cho Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6

Gần 500 nghệ nhân, nghệ sỹ, vận động viên là đồng bào Chăm từ 9 tỉnh, thành phố sẽ tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 từ ngày 27-29/9/2024, tại Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Nghệ nhân Đạt Thị Nam, thành viên Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) dệt vải thổ cẩm. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, hiện tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 diễn ra từ ngày 27-29/9/2024, tại Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Sự kiện là cơ hội để quảng bá những nét văn hóa đặc thù của Ninh Thuận, thế mạnh về danh thắng, tạo cơ hội thuận lợi để công chúng và du khách tham gia vào bất cứ thời điểm nào khi đến địa phương.

Qua thống kê, toàn tỉnh Ninh Thuận có hơn 210 cơ sở lưu trú với trên 4.680 phòng; trong đó trên 50% số phòng đạt chất lượng tương đương 3 sao trở lên.

Cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo để đảm bảo an ninh du lịch, trong đó yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bán đúng giá niêm yết, góp phần xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 tại tỉnh Ninh Thuận với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố. Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Dự kiến gần 500 nghệ nhân, nghệ sỹ, vận động viên là đồng bào Chăm từ 9 tỉnh, thành phố tham gia, đại diện cho hơn 179.000 đồng bào dân tộc Chăm trong cả nước.

Lễ khai mạc Ngày hội sẽ diễn ra vào 20h ngày 27/9/2024, tại Quảng trường-Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; lễ bế mạc Ngày hội diễn ra vào 20h ngày 29/9/2024 tại địa điểm trên.

Điểm nhấn Ngày hội nằm ở chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc. Trong đêm khai mạc có chủ đề “Lung linh sắc màu văn hóa Chăm,” mỗi tỉnh, thành phố sẽ mang đến một tiết mục đặc sắc nhất của địa phương.

Bảo vật quốc gia Tượng thờ vua Pô Klong Garai hiện đang được thờ tại tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). (Ảnh: Nguyễn Thành/ TTXVN)

Cũng trong đêm khai mạc Ngày hội, sẽ diễn ra lễ công bố quyết định công nhận hai Bảo vật Quốc gia của tỉnh Ninh Thuận, gồm tượng thờ vua Pô Klong Garai (đang được người Chăm thờ phụng trong đền tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) và Bia ký Phước Thiện (được bảo quản và trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận).

Thông qua Ngày hội, Ban tổ chức muốn giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm như nghệ thuật múa, âm nhạc, kiến trúc, nghề truyền thống, nhạc cụ, các di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống tháp Chăm,… tới công chúng, đồng thời khẳng định những đóng góp vô cùng quan trọng của giá trị di sản văn hóa Chăm với phát triển kinh tế xã hội của địa phương,

Trong 3 ngày tổ chức, Ngày hội sẽ gồm các hoạt động văn hóa thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm như trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế-xã hội, ẩm thực truyền thống các địa phương; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; triển lãm "Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam;" trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm.

Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đặc biệt tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Cũng trong dịp này, hội thảo về du lịch với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch” sẽ được tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia văn hóa, du lịch, các nhà nghiên cứu văn hóa nhằm tìm giải pháp để phát triển văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động thể dục thể thao truyền thống: thi đấu các môn Kéo co, Đẩy gậy, Bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), Đội nước (nữ), Việt dã (nam, nữ).

Các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh mở gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực, sản phẩm du lịch đến người dân, du khách tại khu vực Quảng trường-Tượng đài 16/4./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục