Nợ công đang trở thành một hiểm họa thực sự cho kinh tế Italy

Trong những năm khủng hoảng kinh tế, 40% tổng chi ngân sách của Italy, tương đương 300 tỷ euro, được dùng để trả nợ công.
Nợ công đang trở thành một hiểm họa thực sự cho kinh tế Italy ảnh 1Quảng trường San Marco ở thành phố Venice. (Nguồn: THX-TTXVN)

Trong những năm khủng hoảng kinh tế, 40% tổng chi ngân sách của Italy, tương đương 300 tỷ euro, là để trả nợ công.

Đó là con số thống kê mà Ủy ban ngân sách thuộc Thượng viện Italy mới đưa ra, cho thấy nợ công đang ngày càng trở thành một gánh nặng lớn đối với Italy và có nguy cơ đẩy đất nước này vào tình trạng suy thoái sâu hơn trong những năm tới.

Theo báo cáo của ủy ban này, từ năm 2008, năm bắt đầu khủng hoảng kinh tế, cho đến thời điểm này của năm 2014, Italy đã phải chi 307 tỷ euro trong tổng số 771 tỷ euro ngân sách cho việc trả nợ công, xấp xỉ 40%.

Trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2012, mức trả nợ công lên đến đỉnh điểm, đạt 42% chi ngân sách. Tính trung bình, 6 năm khủng hoảng kinh tế, cứ 10 euro GDP tạo ra, thì Italy phải trả nợ 2 euro.

Những con số trên cho thấy nợ công đang trở thành một hiểm họa thực sự cho nền kinh tế Italy đang khó khăn.

Theo Ngân hàng nhà nước Italy (BankItalia), trong tháng Mười, nợ công của Italy lên tới 2.157,5 tỷ euro, tăng 23,5 tỷ euro so với tháng Chín và tăng tổng cộng 87,7 tỷ euro kể từ đầu năm 2014.

Hiện chưa biết Italy sẽ kết thúc năm nay với số nợ ở mức nào, nhưng Ủy ban ngân sách của Thượng viện cảnh báo rằng, với việc chi cho hành chính công, cũng như thực hiện các gói hỗ trợ lao động và bù đắp ngân sách địa phương do khủng hoảng đang tăng, nợ công của Italy sẽ chỉ tăng chứ không giảm, với mức tăng trung bình 3%/năm.

Sau Hy Lạp, Italy đang trở thành mối lo lắng lớn của EU. Với một nền kinh tế lớn gấp 10 lần Hy Lạp, sự sụp đổ vì nợ công và tăng trưởng chậm của Italy có thể khiến cả hệ thống kinh tế trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các nhà kinh tế chưa nói đến việc có thể sẽ phải áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" chặt chẽ hơn với Italy, trong khi Rome phải duy trì việc không vượt ngưỡng thâm hụt ngân sách trên 3%, nhưng không loại trừ khả năng Italy có thể sẽ đi theo con đường của Hy Lạp nếu cuộc suy thoái tiếp tục kéo dài.

Các vấn đề của nền kinh tế Italy cũng đang nghiêm trọng hơn với việc lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, đất nước này rơi vào tình trạng giảm phát, cho thấy sức mua và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng.

Dân số Italy già đi là một nguyên nhân khiến việc kích thích lạm phát khó khăn hơn, khi các thống kê cho thấy, trong những năm khủng hoảng, chính phủ buộc phải tăng ngân sách cho một quỹ lương hưu đang phình ra.

Theo nhật báo kinh tế hàng đầu Il Sole 24 Ore, việc áp dụng chính sách tiết kiệm, với chủ trương cắt giảm ngân sách ở nhiều khu vực kinh tế và xã hội, là điều chính phủ không thể không làm, nhưng đang tạo ra những phản ứng mạnh mẽ, bức xúc và tiêu cực trong lòng xã hội Italy. Điều đó càng làm cho bức tranh trở nên u ám hơn.

Giảm phát làm suy yếu hơn nữa nền kinh tế, ngăn cản kinh tế phát triển và các chính sách "thắt lưng buộc bụng" cũng làm tổn thương nền kinh tế Italy, khiến cho việc trả nợ công càng trở nên khó khăn hơn gấp bội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.