Văn phòng Tài chính Philippines ngày 29/7 cho biết nợ tồn đọng của nước này đã vượt 9.000 tỷ peso (khoảng 183,9 tỷ USD) tính đến cuối tháng 6/2020 do chính phủ vay thêm để khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.
Tổng số nợ trong tháng 6/2020 đạt 9.050 tỷ peso, tăng 163,3 tỷ peso (1,8%) so với tháng 5/2020 do phát hành nợ ròng và tận dụng nguồn tài chính trong và ngoài nước. Trong tổng số nợ, 32% có nguồn gốc từ bên ngoài và 68% từ trong nước.
[GDP của Philippines lần đầu tiên sụt giảm kể từ cuối năm 1998]
Số liệu từ Bộ Tài chính Philippines (DOF) cho thấy từ tháng 1-6/2020, chính phủ nước này đã vay 216,3 tỷ peso (khoảng 4,4 tỷ USD) để đối phó với đại dịch COVID-19, trong đó 130,5 tỷ peso (khoảng 2,6 tỷ USD) từ Ngân hàng Phát triển châu Á và 85,8 tỷ peso (khoảng 1,74 tỷ USD) từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Tỷ lệ nợ trên GDP của Philippines trước khi có dịch COVID-19 chỉ ở mức 39,6% trong năm 2019.
Ndiame Diop, Giám đốc mới được bổ nhiệm của WB phụ trách Brunei, Malaysia, Philippines và Thái Lan, nhận định khoản nợ của Philippines tương đương với 40% quy mô nền kinh tế tại thời điểm đại dịch xảy ra. Do đó Chính phủ có đủ năng lực tài chính để giải quyết tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng này./.