Nông nghiệp 4.0: Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

Tại Việt Nam, đã có nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ những hộ quy mô sản xuất nhỏ, nhóm tổ sản xuất đến các doanh nghiệp cỡ lớn.
Nông nghiệp 4.0: Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính cho thu hoạch 4 vụ/năm, doanh thu đạt 120 triệu đồng/vụ. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học công nghệ, lĩnh vực này sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực. Sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhận định này được các chuyên gia tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam," diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/10.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản thứ hai ASEAN với 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD; trong đó, có 5 mặt hàng có giá trị kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36,5 tỷ USD và mục tiêu năm 2018 là 40 tỷ USD.

Tiến sỹ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, nhận định hiện Việt Nam đã có gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Dù còn nhiều hạn chế như tỷ lệ nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (chỉ gần 5% số doanh nghiệp nông lâm thủy sản được cấp chứng nhận VietGap và tương đương), nhưng với sự thay đổi tích cực của khu vực và thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh và đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Tại Việt Nam, đã có nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ những hộ quy mô sản xuất nhỏ, nhóm tổ sản xuất đến các doanh nghiệp cỡ lớn như mô hình sản xuất hoa của Dalat Hasfarm, mô hình trồng rau công nghệ cao VinEco của Vingroup, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Vinamilk, mô hình nuôi gà công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap của Hùng Nhơn Group.

Tuy nhiên, giáo sư Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng là một nước với hơn 70% dân số làm nông nghiệp, chúng ta cần là một quốc gia không chỉ tự chủ về nông sản, mà còn phải xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản trên thế giới, đồng thời, phải có những sản phẩm nông sản sạch đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap… để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khó tính nhất.

[Phú Thọ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp]

Để đạt được điều đó, cần phải ứng dụng những khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp 4.0 hay còn gọi là nông nghiệp thông minh, đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển rực rỡ. Việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp mang lại những bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng canh tác.

Nhiều quốc gia đã triển khai rộng rãi các công nghệ mới, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình canh tác truyền thống sang hiện đại với sự tích hợp, kết nối chặt chẽ nhiều công nghệ khác nhau để đảm bảo hiệu quả canh tác tối ưu.

Dù vậy, trên cơ sở phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, giáo sư Võ Tòng Xuân (Đại học Nam Cần Thơ) cho rằng chúng ta không nên chạy theo nông nghiệp 4.0 đúng nghĩa quốc tế mà cần chọn lọc khía cạnh, nội dung, phương pháp ra sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế và nguồn nhân lực. Thời gian tới, có lẽ đa số nông dân Việt Nam sẽ khó có thể đến gần “cái thang” nông nghiệp 4.0 như ở các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, nếu căn cứ trên mục tiêu ứng dụng những tiến bộ công nghệ tin học và công nghệ sinh học để nâng cao sản lượng và phẩm chất hàng nông sản với giá thành thấp mà không làm ô nhiễm môi trường, nông dân có thể áp dụng kết quả công nghệ sinh học để cải tiến tập quán sản xuất như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trong giai đoạn hiện tại, sự lựa chọn nông nghiệp 4.0 áp dụng trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp sẽ là việc ứng dụng các chế phẩm mới nhất trong quy trình sản xuất giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kích kháng sâu bệnh cho tất cả cây trồng và vật nuôi. Điều này giúp nông dân làm giảm tác động biến đổi khí hậu, tiết kiệm chi phí, nhờ thế nông dân sẽ tăng lợi tức một cách vững chắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.