Ngày 16/2, đúng vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tại trụ sở Hội Nhà văn Nga ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, nhà văn nữ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh của Việt Nam đã được trao giải thưởng văn học toàn Nga hàng năm “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết” dành cho tác phẩm văn học dịch.
Phóng viên TTXVN tại Moskva cho biết Hội đồng giám khảo đã nhất trí tặng giải thưởng vinh dự cho tác phẩm được dịch giả Thụy Anh dịch ra tiếng Việt mang tên “Olga Berggoltz của tôi,” xuất bản tại Hà Nội từ năm 2010 nhân dịp 100 năm ngày sinh của nhà thơ nữ người Nga Olga Berggoltz (1910-1975).
"Olga Berggoltz của tôi" không chỉ là những bản dịch thơ, mà còn là một kiểu chân dung văn học của nữ tác giả nổi tiếng qua cảm nhận của dịch giả Thụy Anh.
Chị đã tìm hiểu về Olga Berggoltz qua ghi chép, thư từ, hồi ký của nhà thơ và bè bạn từng gặp bà. Chính trên nguồn tư liệu ấy, chân dung của Olga Berggoltz được chị dựng lại theo từng chặng đường của cuộc đời, với những tâm trạng, cảm xúc khác nhau trước sự thăng trầm cùng vinh quang và cay đắng mà lịch sử nước Nga Xôviết mang lại cho nhà thơ, bổ sung đầy đủ hơn cho hình ảnh một Olga Bertgolts vốn mới chỉ được độc giả Việt Nam biết đến như một nữ sỹ của tình yêu.
Cùng với đó, những bài thơ được Thụy Anh chọn dịch cũng chia theo các mốc thời gian tương tự.
Qua giới thiệu của nhà văn người Nga Albert Likhanov, tác giả cuốn sách “Ông tướng của tôi” đã được nhà xuất bản Kim Đồng dịch và phát hành năm 2017, giải thưởng 2017 đã được 5 thành viên Ban giám khảo xét trao cho dịch giả Nguyễn Thụy Anh cùng với các dịch giả khác đến từ các nước Cộng hòa thuộc Nga.
[Không có tác phẩm văn xuôi, thơ đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam]
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, nhà văn Igor Smolkin, chủ tịch Ban giám khảo, cho biết, ý tưởng của giải thưởng là ghi nhận những lao động khiến tiếng Nga trở thành sợi chỉ nối liền, gắn kết các dân tộc của nước Nga và các nước khác, và công trình nhiệt huyết và công phu của tác giả Việt Nam viết về một nhà thơ của Nga rất xứng đáng để trao tặng giải thưởng này.
Với ông, những "sứ giả văn học" như Likhanov và Thụy Anh đã góp phần không nhỏ cho tình hữu nghị giữa dân tộc Nga và Việt Nam, vốn cùng chung những mất mát do chiến tranh, chung tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc bị xâm lăng, chung ý chí kiên cường trong bảo vệ đất nước.
Là người đã sống và học tập tại nước Nga 17 năm, Thụy Anh yêu thơ, làm thơ. Chị đã dành 10 năm lần giở lại từng trang cuộc đời của nữ nhà thơ tài hoa để quyết định cho ra đời "Olga Berggoltz của tôi."
Nói về văn học Nga tại Việt Nam thời nay, chị vui mừng nhận xét nền văn học đầy chất nhân văn và từng vô cùng thân thiết với Việt Nam đang trở lại với độc giả nước ta sau một giai đoạn đứt gãy vì nhiều lý do, tuy nhiên kể cả trong giai đoạn "lặng lẽ" đó nhiều dịch giả vẫn âm thầm lao động, trong đó có nhiều dịch giả trẻ.
Giải thưởng cao quý của Hội nhà văn Nga này là sự ghi nhận dòng chảy tuy âm thầm nhưng đầy hứa hẹn, Thụy Anh tin rằng rồi đây sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học Nga cả kinh điển và đương đại sẽ đến được với bạn đọc Việt Nam.
Giải thưởng “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết” do Hội Nhà văn Nga và Quỹ Văn học "Con đường cuộc sống" thành phố St. Petersburg lập ra từ năm 2015, được trao cho các tác phẩm dịch văn học Nga và nước ngoài, nhằm tôn vinh lĩnh vực sáng tạo này cũng như phát hiện những tài năng dịch mới, đặc biệt là củng cố các mối quan hệ giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ.
Giải thưởng được trao hàng năm vào ngày 16/2 tại Moskva. Giải thưởng không dành cho tác phẩm cổ súy cho bạo lực, nghiện ma túy, lối sống tội phạm và phản xã hội./.