“Linh không nhạt nhòa giữa đám đông. Lúc nào người ta cũng thấy cô vội vã, nhiệt thành và chu đáo. Con người ấy cật lực lao động, miệt mài đi và viết. Cây bút đó luôn đầy ắp ý tưởng và sục sôi với những trải nghiệm nghệ thuật mới để khẳng định dấu ấn riêng."
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã nói như vậy về Vi Thùy Linh - một trong những cây bút tiêu biểu của thế hệ văn chương 8X.
Lý giải về điều này, Vi Thùy Linh bảo, cô muốn phá vỡ sự đơn tuyến trong việc thưởng thức văn chương. Xóa bỏ ấn tượng về sự âm thầm, câm nín, lẻ loi - đôi khi bị đẩy tới mức lủi thủi- mà một số văn sỹ đã tự "khoác" vào mình.
“Đôi khi, tôi cũng thấy mình liều”
- Thời gian gần đây, Vi Thùy Linh có vẻ “đằm” hơn, ít những phát ngôn gây “sốc” hơn. Phải chăng vì chị cuộc sống gia đình đã làm thay đổi đi nữ sĩ rất cá tính của chúng ta?
Vi Thùy Linh: Nhiều người cũng nói, thời gian gần đây, Vi Thùy Linh có vẻ “đằm” hơn, nhưng tôi chắc chắn với bạn, tôi vẫn là một Vi Thùy Linh với cá tính riêng, mạnh mẽ và quyết đoán. Đã nói là làm!
Tôi mới kết hôn được hơn hai tháng nhưng cuộc sống cũng không có quá nhiều biến đổi từ đó. Cả thời thanh xuân nhất, tôi đã dành cho văn chương. Đến bây giờ, Vi Thùy Linh sẽ phải sắp xếp công việc để thực hiện thiên chức của một người phụ nữ.
Còn chuyện gây “sốc” như bạn nói, theo tôi cũng có năm, bảy kiểu! Đâu phải mọi trường hợp “sốc” đều là xấu. Nhiều người vốn quen nghe những lời êm tai, thì khi nghe những chuyện trái chiều sẽ thấy “bị tổn thương!” Nhưng nếu lời nói trái chiều đó là sự góp ý chân thành, hẳn nó mang ý nghĩa khác.
- Vi Thùy Linh vẫn luôn được nhắc tới là một nhà thơ với nguồn cảm xúc mãnh liệt. Thế nhưng, trong hai lần xuất hiện gần đây, chị lại giới thiệu tới công chúng hai tập tùy bút. Phải chăng, “chiếc áo thơ" đã trở nên quá chật chội và cũ kỹ với Vi Thùy Linh?
Vi Thùy Linh: Trước khi xuất bản tùy bút, tôi đã dành 16 năm cho thơ rồi. Thực ra, “áo thơ” đã bị bung phá từ lâu rồi. Bây giờ, nếu trở lại với thơ thì tôi sẽ may chiếc áo khác. Bởi với tôi, mỗi lần xuất hiện phải là một lần mới và có điểm nhấn.
Linh không cố chứng minh mình đa tài nhưng tôi muốn thể hiện mình qua nhiều mảng, nhiều thể loại khác nhau.
Tham vọng của tôi sau đây còn là viết kịch bản phim nữa.Vì tôi còn phải thực hiện nghĩa vụ của một hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.
- “Mỗi lần xuất hiện phải có điểm nhấn!” Phải chăng, vì sự quyết liệt như vậy nên trong các chương trình trình diễn văn chương của mình, chị luôn nhọc công mời cho bằng được những “ngôi sao” ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác?
Vi Thùy Linh: Nhiều người bảo tôi “điên,” “khùng” nhưng tôi tự tin rằng, tôi dám sống là chính mình. Tôi không buông ra những câu nói êm tai, dễ làm vừa lòng người khác một cách nhạt nhẽo. Nhưng tôi dám đương đầu với thử thách để làm những điều khác biệt trong nghệ thuật; mà đã là nghệ thuật thì cái “tôi” riêng, bản sắc riêng là vô cùng cần thiết.
Tôi tự hào là người đầu tiên đưa văn chương vào trình diễn ở thánh đường của nghệ thuật Việt Nam - Nhà hát Lớn - trong chương trình “Bay cùng ViLi” (tháng 12/2012).
Đêm diễn đó có sự tham gia của nghệ sỹ hàng đầu như nghệ sỹ nhân dân Hoàng Cúc, nghệ sỹ nhân dân Minh Hòa, ca sỹ Thanh Lam, Tấn Minh cùng các nghệ sỹ saxophone Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc...
Tôi luôn nghĩ, văn chương cũng có quyền sang trọng chứ. Khi đã như vậy, tại sao nó lại không thể xuất hiện ở những nơi sang trọng?
Tối 6/3 này, Vi Thùy Linh tổ chức đêm trình diễn “Hộ chiếu tâm hồn” để giới thiệu những sáng tác mới trong tập tùy bút cùng tên này. Đêm diễn “Hộ chiếu tâm hồn” cũng sẽ có tham dự của cả nhiều nghệ sỹ tên tuổi như nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng, nghệ sỹ ưu tú Thu Hà, nghệ sỹ quan họ Thúy Hường, nghệ sỹ opera Vành Khuyên, nghệ sỹ cello Doãn Hương Khanh…
Nói vậy, nhưng đôi khi, tôi cũng cảm thấy khá run và thấy mình liều!
- Quả thực, đó là những cái tên rất ấn tượng. Thế nhưng, khi hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật trong một chương trình trình diễn văn chương như vậy, Vi Thùy Linh không sợ văn chương sẽ bị nhòe mờ, trở thành yếu tố phụ ư? Hay đơn giản hơn, đêm diễn ấy sẽ trở thành một “nồi lẩu thập cẩm?”
Vi Thùy Linh: Bạn đừng nghĩ, cứ khi nghệ sỹ Thúy Hường xuất hiện thì sẽ đi liền với những làn điệu quan họ (cười)!
Bản thân tôi luôn muốn hướng tới sự “liên tài,” hay nói cách khác là để văn chương có sự giao thoa, cộng hưởng với các loại hình nghệ thuật khác. Khi đó, các loại hình nghệ thuật sẽ nâng đỡ cho nhau để cùng tỏa sáng.
Như vậy, hiệu ứng của văn chương tác động tới công chúng cũng sẽ rõ nét hơn. Văn chương không chỉ để đọc mà hoàn toàn có thể được trình diễn, để thưởng thức qua những giác quan khác.
Lâu nay, công chúng vẫn chỉ có thói quen đọc văn học mà chưa hướng tới việc xem trình diễn văn chương. Người ta quên mất rằng, ngay từ thời cổ đại, ở những nền văn minh rực rỡ như Hy Lạp, La Mã, văn chương phần lớn được cảm thụ qua việc xem trình diễn.
Tôi yêu và trân trọng các... “đại gia”
Vẫn là chuyện về những cái tên, chị có nghĩ, công chúng đến với đêm diễn của chị là vì sức hút của những nghệ sỹ ấy chứ không phải vì chính Vi Thùy Linh?
Vi Thùy Linh: Điều đó là hoàn toàn có thể. Thế nhưng, tôi cũng sẽ không cảm thấy buồn vì điều đó. Có thể, khán giả đến vì muốn thưởng thức tài năng nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng diễn, xem nghệ sỹ ưu tú Thu Hà trình diễn văn chương… Nhưng, tôi tin, sau khi xem, họ sẽ tìm đọc nguyên gốc tác phẩm của tôi và yêu mến Vi Thùy Linh hơn.
Tôi quan niệm, văn chương phải hiện diện, phải kích ứng và lôi kéo công chúng bằng nhiều hiệu ứng - những hiệu ứng có thật chứ không phải các giá trị ảo. Đó chính là những tài năng âm nhạc, tài năng kịch nghệ để văn chương được đến với mọi người thông qua nghe và xem.
Đó là giá trị tương hỗ của cuộc “liên tài.”
- Người ta vẫn thường nói, các nhà thơ, nhà văn thường không giàu! Thế nhưng chị vẫn đủ lực để thực hiện những chương trình ấn tượng, tốn kém. Vi Thùy Linh có thể nói gì về điều này?
Vi Thùy Linh: Đúng là tôi không giàu có về vật chất nhưng tôi đủ tự tin để nói rằng, tôi khá giàu có về đời sống tinh thần. Vi Thùy Linh yêu và trân trọng nghệ thuật. Mỗi tuần, nếu không đến nhà hát ít nhất khoảng hai, ba lần thì tôi không thể chịu được.
Tôi nói thế này, bạn có tin không? Tôi luôn yêu và trân trọng các đại gia. Bởi, “đại gia” của tôi chính là các nghệ sỹ!
Họ nhận lời diễn cho tôi mà không hề đề cập tới thù lao. Một sự hào phóng ý nghĩa hơn rất nhiều tiền bạc.Tôi thực sự xúc động vì điều đó và hạnh phúc vì sự nỗ lực của mình đã được đền đáp. Vi Thùy Linh luôn tin rằng, khi thực tâm đi đến tận cùng bản thể của mình thì sẽ gặp mọi người.
Tôi có thể sống thanh cảnh nhưng những cuốn sách và các chương trình biểu diễn của tôi phải sang! Đây là quan điểm làm nghề của tôi. Đôi khi, cũng chính vì vậy mà tôi tự làm khó, làm khổ mình với những đòi hỏi khắt khe.
- Thế nhưng, tôi lại nghĩ sự khắt khe đó cũng là một yêu cầu quan trọng nếu người nghệ sỹ muốn làm nghề một cách thực sự.
Vi Thùy Linh: Đúng vậy! Sự nhọc công, miệt mài của mình sẽ được đền đáp xứng đáng.
Cuộc sống muôn màu và việc tồn tại những cái nhìn trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Sau cùng, những giá trị thực sự chân chính sẽ vượt qua được thác ghềnh để tồn tại và khẳng định mình.
Bằng chứng là, trước đây, một bộ phận không hiểu bản chất đã quy chụp tôi vào cùng nhóm với những kẻ ngụy danh thơ để “xả rác,” tung những lời lẽ dung tục vào đời sống văn nghệ Sài Gòn.
Nhưng rồi, bạn thấy đấy, tôi vẫn đứng vững và khẳng định được bản thân. Bởi tôi ý thức rất rõ, nhiệm vụ lớn nhất của nhà văn không phải là việc dùng ngôn ngữ để thể hiện xúc cảm của mình như một cách trần thuật đơn thuần; mà là phải làm giàu tiếng mẹ đẻ của mình.
Tôi luôn phải dụng công để tạo từ, trau chuốt ngôn ngữ. Với việc đổ sức ấy, tôi tính một nước đi bền.
Ngựa hay là ngựa đi đường trường. Và muốn đi đường trường thì phải liên tục nạp thêm vốn liếng. Chúng ta không thể dùng mãi bản năng, trữ lượng sẵn có từ khi cha mẹ sinh ra./.
- Trân trọng cảm ơn chị!
Vi Thùy Linh sinh năm 1980 tại Hà Nội, bút danh là ViLi.
Vi Thùy Linh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tháng 6/2012, Vi Thùy Linh được trao tặng giải thưởng Văn học Thủ đô của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.