Đức đang trong tình trạng “cực kỳ căng thẳng” về nguồn cung năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đưa ra đánh giá này ngày 30/9, chỉ một ngày sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch “lá chắn phòng thủ” để bảo vệ người dân trước tác động của giá năng lượng tăng cao.
Phát biểu với đài phát thanh Đức Deutschlandfunk, người đứng đầu Bộ Kinh tế Đức nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Nếu chúng ta không tiết kiệm, nếu các hộ gia đình không giảm tiêu thụ, vẫn có nguy cơ không có đủ khí đốt trong mùa Đông này.”
Theo ông Habeck, dù vừa công bố gói hỗ trợ mới trị giá 200 tỷ euro (196,4 tỷ USD) để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng chính phủ sẽ không trợ cấp giá khí đốt giảm xuống mức như năm 2021 và không áp dụng trong thời gian dài.
Cơ quan Quản lý mạng lưới Liên bang Đức (BNetzA) đã ban bố cảnh báo khẩn, kêu gọi người tiêu dùng tăng cường tiết kiệm khí đốt ngay cả khi thời tiết lạnh giá. BNetzA nêu rõ mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy khoảng 91,5% trước mùa Đông, nhưng người dân vẫn cần tiết kiệm hơn nữa.
[Đức cảnh báo về thiệt hại nghiêm trọng với tuyến Dòng chảy phương Bắc]
BNetzA cho biết thêm thời tiết hiện đã lạnh hơn đáng kể so với cùng thời điểm của những năm trước, nhưng dù nhiệt độ thấp hơn, Đức vẫn cần phải đảm bảo giảm ít nhất 20% lượng tiêu thụ khí đốt để tránh tình trạng thiếu nguồn nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.
Trước đó, tại cuộc họp công bố gói hỗ trợ mới, các bộ trưởng trong chính phủ Đức cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng mà nước này đang trải qua có nguy cơ phát triển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội.
Cùng ngày 30/9, Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã lên mức cao nhất trong 70 năm qua. Theo đó, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9/2022 tăng lên 10%, mức cao nhất kể từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi nước Đức tái thống nhất (năm 1990), tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế tăng lên mức hai con số. Trước đó, trong tháng Tám, lạm phát ở Đức tăng trở lại mức 7,9%, sau hai tháng giảm nhẹ. Năng lượng và thực phẩm là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy lạm phát tăng cao trong nhiều tháng.
Cuộc xung đột tại Ukraine, các lệnh trừng phạt và tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm trung gian đã làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng do đại dịch COVID-19./.