Liên quan đến việc khắc phục hư hỏng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu bị nứt dầm thép, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị nhà thầu phấn đấu tới 31/12 sẽ khắc phục xong.
Theo ông Thành, các đơn vị chuyên môn đánh giá có 3 nhóm nguyên nhân gây nứt dầm thép CB6 trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm Cống là tập trung ứng suất, ứng suất dư và chất lượng đường hàn để ráp nối các cấu kiện.
[Cầu Vàm Cống bị nứt: Bộ Giao thông khẳng định kết cấu vẫn ổn định]
Cầu dây văng có tính chất đối xứng nên khi dầm CB6 trên đỉnh trụ neo P29 bị nứt đã ảnh hưởng đến dầm ngang trên đỉnh trụ P28 phía đối diện, gây rạn nứt ở mức độ nhẹ. Để đảm bảo chất lượng công trình, việc khắc phục được tiến hành đồng thời với cả hai dầm ngang trên đỉnh trụ P28 và P29.
Sau sự cố, Bộ Giao thông đã nghiên cứu giải pháp khắc phục toàn bộ nguyên nhân có thể xảy ra nhằm đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình và phân chia rõ trách nhiệm của các bên.
“Giải pháp được đưa ra là có thể thay thế toàn bộ dầm và thay thế 1 phần. Tuy nhiên, sau khi phân tích, nếu thay thế toàn bộ sẽ phức tạp vì liên quan cân bằng cầu vì đây là cầu dây văng. Trên cơ sở kết quả thẩm tra của Viện Khoa học công nghệ, đơn vị tư vấn độc lập nước ngoài, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án khắc phục là thay bán phần dầm ngang, với phạm vi thay thế 70% diện tích dầm ngang,” ông Thành thông tin thêm.
Ông Thành cho biết, hiện nay, nhà thầu đã nhập khẩu vật tư toàn bộ, đang chế tác tại dầm để lắp đặt lại, phấn đấu tới 31/12 sẽ khắc phục xong hư hỏng của cây cầu này. Tuy nhiên, ông thừa nhận có một số yếu tố ảnh hưởng là thời tiết miền Nam đang vào mùa mưa.
Ghi nhận của phóng viên tại bến phá Vàm Cống phía bờ huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), hàng trăm phương tiện ôtô nối đuôi nhau kéo dài cả cây số để chờ xuống phà sang phía bờ ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Mỗi khi 2 chiếc phà cập bờ, các xe xếp hàng vội vã đi xuống phà. Bình quân, mỗi phà chở được khoảng 15-20 xe ôtô.
Tài xế Phạm Công Thành (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) thường xuyên chở thức ăn gia súc cho chủ hàng sang phía thành phố Cần Thơ cho biết, bến phà Vàm Công luôn trong tình trạng ùn ứ, đặc biệt là những ngày cuối tuần khi lưu lượng phương tiện lưu thông qua đây tăng.
“Từ Đồng Tháp sang Cần Thơ chỉ có cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nhưng cầu này đang được sửa chữa hư hỏng và vẫn chưa thể thông xe nên cánh tài xế rất cực nhọc mỗi khi đi trên trục đường này. Mong rằng, cầu sớm được sửa chữa để người dân bớt vất vả,” anh Thành chia sẻ.
[Sẽ công bố nguyên nhân nứt cầu Vàm Cống trong tháng Tư]
Trước đó, chiều 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.
Kết quả kiểm tra, đo đạc thời điểm phát hiện sự cố cho thấy, cầu không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra (ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên), kích thước hình học của công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế. Qua đó, kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm chất lượng, tuổi thọ của công trình./.
Cầu Vàm Cống thuộc dự án thành phần 3-dự án kết nối Khu vực trung tâm Đồng bằng Mêkông, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án được thực hiện bởi các nhà thầu của Hàn Quốc là Tư vấn thiết kế-giám sát Hàn Quốc là Liên danh Dasan-Kunhwa-Pyunghwa; nhà thầu thi công Hàn Quốc là Liên danh Công ty GS E&C và Hanshin.Cầu Vàm Cống được khởi công vào tháng 9/2013, hợp long ngày 29/9/2017. Đây là cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu. Cầu được xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng chiều dài gần 3km, chiều cao thông thuyền 37,5m.