Sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trên báo chí Mỹ những ngày qua là việc 12 quốc gia đạt được thỏa thuận Hiệp đội Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ở Atlanta sau 5 năm đàm phán, mở ra một không gian thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Nhân dịp này, tờ New York Times đã có bài viết đánh giá những tác động chung nhất của Hiệp định đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng như những toan tính của Washington thông qua TPP. VietnamPlus xin được giới thiệu toàn văn bài viết này tới độc giả.
Là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ đặt ra những quy định mới cho thương mại và đầu tư kinh doanh giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương - nhóm các quốc gia có GDP hàng năm gần 28.000 tỷ USD, chiếm khoảng 40% GDP thế giới và 1/3 thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Thương mại các nước đã đạt được sự đồng thuận với Hiệp định hôm thứ Hai vừa qua ở Atlanta, sau 5 ngày đàm phán liên tục. Trước đó, tại phiên đàm phán ở Hawaii hồi cuối tháng 7, ý kiến của các bên vẫn còn chia rẽ.
Là sản phẩm của quá trình đàm phán suốt 10 năm, Hiệp định TPP là chiến thắng quan trọng cho tổng thống Mỹ Obama, người luôn ủng hộ chính sách ngoại giao hướng tới các quốc gia Thái Bình Dương. Tuy nhiên ý kiến tại đồi Capitol vẫn còn khá chia rẽ về mặt chính trị.
Hồi tháng 6, ông Obama đã vượt qua sự phản đối của đảng Dân chủ một cách thành công để giành quyền thúc đẩy thương mại- quyền được thương lượng các thỏa thuận thương mại mà Quốc hội không thể thay đổi hay ngăn cản. Công việc của ông Obama bây giờ là thuyết phục các thành viên Quốc hội - các thành viên cùng đảng Dân chủ- chấp nhận Hiệp định.
Cuộc tranh luận tại Quốc hội sẽ xem xét mọi khía cạnh của Hiệp định, và sẽ là bước cuối cùng để Mỹ thông qua TPP, hiệp định thương mại tham vọng nhất kể từ khi Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ được ký kết hồi những năm 1990.
Vì sao những ý kiến xung quanh Hiệp định lại chia rẽ?
Những người ủng hộ cho rằng hiệp định sẽ mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia có liên quan, và chạm tới những vấn đề của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Việc hiệp định được Quốc hội thông qua là một trong những mục tiêu cuối cùng của ông Obama trong nhiệm kỳ tổng thống, tuy nhiên ông đang phải đối mặt với sự phản đối từ hầu hết các đồng minh đảng Dân chủ.
Những người phản đối tại Mỹ cho rằng hiệp định này khuyến khích xuất khẩu việc làm trong ngành chế tạo sang các quốc gia trả lương thấp hơn, giới hạn cạnh tranh và khuyến khích việc đặt giá cao cho các sản phẩm dược cũng như các sản phẩm giá trị cao khác qua việc phổ biến tiêu chuẩn bảo vệ bản quyền tại Mỹ tới các nước khác. Một điều khoản cho phép các tập đoàn đa quốc gia thách thức các quy định và phán quyết của tòa án đang tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội.
Vì sao lại là Hiệp định này và vào lúc này?
TPP là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á của ông Obama. Đây được xem như một cách để gắn kết các đối tác thương mại Thái Bình Dương gần hơn với Mỹ, cũng như thách thức Trung Quốc, quốc gia hiện đã không còn tham gia vào hiệp định.
TPP cũng là cách đề cập đến hàng loạt các vấn đề nhức nhối trong bối cảnh thương mại thế giới phát triển, bao gồm thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và truyền thông Internet xuyên quốc gia. Ngoài ra, những vấn đề thương mại truyền thống khác cũng được đề cập.
Hoa Kỳ mong muốn được thiết lập quan hệ thương mại chính thức với 5 nước là Nhật Bản, Malaysia, Brunei, New Zealand và Việt Nam, cũng như củng cố Nafta - hiệp định thương mại hiện đã ký kết với Canada và Mexico. Hơn nữa, khi các nỗ lực đàm phán các thỏa thuận thương mại thế giới đang bế tắc, hiệp định TPP được coi như một văn bản mở, được lập ra để tạo một khuôn mẫu cho các sáng kiến theo sau, như Quan hệ thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương.
Một số vấn đề được đề cập đến trong hiệp định?
Thuế và Quota. Được sử dụng từ lâu để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thuế nhập khẩu từng là đặc điểm nổi bật của chính sách thương mại, và đã đóng góp chủ yếu cho doanh thu của Bộ ngân khố Hoa Kỳ hồi thế kỷ 19. Sau cuộc Đại suy thoái và Thế chiến II, nước Mỹ đã chuyển sang xu hướng thương mại tự do hơn.
Ngày nay, Mỹ và hầu hết các quốc gia phát triển áp đặt không nhiều hàng rào thuế quan, nhưng một số vẫn còn tồn tại. Ví dụ, ở Mỹ, thị trường đường nội địa được bảo vệ khỏi các nhà cung cấp sản phẩm giá rẻ từ bên ngoài. Thuế quan cũng được áp dụng với các sản phẩm giày dép nhập khẩu.
Nhật Bản cũng áp dụng nhiều loại phụ phí cho các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu như gạo, thịt bò và sản phẩm từ sữa. Hiệp định TPP là một nỗ lực nhằm tạo ra môi trường tự do thương mại ở Thái Bình Dương.
Các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ. Các nhà đàm phán Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng hiệp định TPP là nhằm cân bằng môi trường thương mại thông qua áp dụng nhiều tiêu chuẩn về lao động và môi trường với các đối tác, cũng như giám sát các quyền về tài sản trí tuệ.
Dòng chảy dữ liệu. Hiệp định TPP đề cập đến nhiều vấn đề nổi lên từ thời điểm các thỏa thuận trước đó được đàm phán. Một trong số đó là các quốc gia đã đồng ý không chặn việc truyền dữ liệu xuyên biên giới qua Internet, cũng như không yêu cầu đặt máy chủ tại nước mình thì mới được kinh doanh tại đó.
Đề nghị này đã khiến một số quốc gia lo ngại rằng nó sẽ xung đột với luật bảo vệ sự riêng tư và các quy định chống lưu trữ thông tin cá nhân ngoài biên giới quốc gia.
Các dịch vụ. Một mục tiêu lớn của TPP là tăng cường các cơ hội cho các ngành dịch vụ. Mỹ có lợi thế cạnh tranh ở nhiều ngành dịch vụ khác nhau, như tài chính, kỹ thuật, phần mềm, giáo dục, pháp lý và công nghệ thông tin. Mặc dù các ngành dịch vụ không phải chịu thuế quan, nhưng nhiều quốc gia vẫn yêu cầu quốc tịch và hạn chế đầu tư để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp do nhà nước điều hành. Các nhà đàm phán Hoa Kỳ đã thảo luận về việc các quyền ưu tiên thường được dành cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Hiệp định cuối cùng có thể sẽ có các điều khoản đảm bảo sự cạnh tranh trung lập, cũng như bỏ ngỏ cơ hội cho Trung Quốc nếu quốc gia này có ý định đồng ý tham gia hiệp định trong tương lai.
Tại sao Trung Quốc không tham gia đàm phán?
Trung Quốc chưa bao giờ có hứng thú tham gia các cuộc đàm phán. Trước đây quốc gia này cũng đã có thái độ dè chừng và coi hiệp định như một mối đe dọa tiềm tàng, khi Mỹ tìm cách thắt chặt quan hệ với các đối tác thương mại châu Á.
Tuy nhiên gần đây, khi các cuộc đàm phán được đẩy mạnh, một số quan chức cấp cao của Trung Quốc đã cởi mở hơn với hiệp định, và thậm chí còn ngụ ý rằng họ sẽ tham gia vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ vừa khẳng định rằng hiệp định là đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, nhưng cũng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tham gia hiệp định cùng nhiều cường quốc kinh tế khác như Hàn Quốc.
Cái bóng của Nafta, và cuộc tranh luận tại Washington
Hiệp định Nafta được Tổng thống Bill Clinton ký năm 1993 đã dẫn đến sự bùng nổ thương mại ở Mỹ, Mexico và Canada. Cả 3 quốc gia này đều xuất khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn tới hai nước còn lại, đầu tư xuyên biên giới tăng nhanh, và hàng triệu việc làm đã được sinh ra trong nền kinh tế Mỹ.
Nhưng không phải mọi thay đổi đều là nhờ Nafta, và lợi ích của mỗi quốc gia cũng khác nhau: Mỹ có thặng dư thương mại với Mexico khi hiệp định được ký kết, nhưng sau đó thặng dư đã nhanh chóng chuyển thành thâm hụt, lên đến hơn 50 tỷ USD/năm. Những người chỉ trích Nafta cũng chỉ ra rằng tăng trưởng việc làm ở Mỹ không thấm gì so với mất việc làm cho người lao động ở Mexico hay Canada.
Nafta là chiến thắng có ý nghĩa lớn lao với tổng thống Clinton sau cuộc đấu tranh dài hơi với Quốc hội - ông giành được vừa đủ số phiếu thuận của các đồng minh Dân chủ để thông qua hiệp định. Tuy nhiên chưa chắc ông Obama cũng sẽ đạt được kết quả này.
Quy trình lập pháp rối rắm đã làm xấu thêm quan hệ của ông với nhiều đồng minh đảng Dân chủ, cũng như các công đoàn và các nhóm cấp tiến, những người kịch liệt phản đối TPP.
Nhiều đảng viên đảng Dân chủ cho biết tổng thống cần xem xét những lo ngại của họ về các tiêu chuẩn lao động và môi trường cũng như việc bảo vệ các nhà đầu tư khi ông tới Quốc hội và tìm kiếm sự ủng hộ cho hiệp định./.