Ngày 13/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ ngày 22/6 đến nay đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, tỉnh Bình Phước.
Trước tình hình dịch bệnh tại Bình Phước, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng.
Đồng thời, Sở Y tế triển khai các biện pháp xử lý kịp thời ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong; điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị, lập báo cáo hàng ngày về từng trường hợp mắc bệnh, ổ dịch và kết quả triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Sở Y tế Bình Phước phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vắcxin phòng dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch; nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vắcxin phòng bệnh; đảm bảo tất cả trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế, tránh việc trẻ bị mắc bệnh bạch hầu do tiêm vắcxin muộn.
Địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng chống bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm.
Đối với khu vực ổ dịch, ngành y tế tổ chức tuyên truyền tới từng gia đình về các biện pháp vệ sinh cá nhân.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, từ khi vắcxin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắcxin phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắcxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh bạch hầu, các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu theo đúng lịch. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Đặc biệt, người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắcxin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.