OECD kêu gọi cải cách triệt để tạo đà tăng trưởng kinh tế thế giới

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kêu gọi các quốc gia trên thế giới nhanh chóng cải cách, tạo điều kiện cho kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng.
OECD kêu gọi cải cách triệt để tạo đà tăng trưởng kinh tế thế giới ảnh 1Tăng trưởng toàn cầu giảm do sự sụt giảm của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ngày 26/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kêu gọi các quốc gia trên thế giới nhanh chóng cải cách, tạo điều kiện cho kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng.

Trong báo cáo đưa ra trước thềm Hội nghị các bộ trưởng kinh tế Nhóm G20 diễn ra tại Thượng Hải, OECD cho rằng trong ngắn hạn triển vọng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm vì vậy tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp với các chính sách kích cầu vẫn là biện pháp cần thiết.

OECD cũng nêu các biện pháp mà các quốc gia cần thực hiện như khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đa dạng hóa đội ngũ lao động và nâng cao năng suất. Trước hết, các nền kinh tế trên thế giới cần xác định rõ những yếu kém về mặt cơ cấu kinh tế vốn là nguyên nhân gây ra khủng hoảng.

Trong quá trình thực hiện cải cách cần ưu tiên gỡ bỏ các rào cản để doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng các lợi thế về kiến thức và kỹ thuật.

Mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ vốn đang có nhiều tiềm năng khai thác, cải cách các chính sách về chăm sóc sức khỏe hưu trí và nhà ở, đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng hội nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, cải cách hệ thống ngân hàng cũng cần sâu rộng hơn để giúp các hộ gia đình và các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng.

OECD cũng nhận định ngân sách các quốc gia hiện còn eo hẹp, các chính sách linh hoạt của ngân hàng trung ương vẫn không mấy hiệu quả vì vậy các quốc gia nên xem xét áp dụng những biện pháp cải cách kể trên để nhanh chóng cải thiện triển vọng phát triển kinh tế, tạo điều kiện giải quyết bài toán thất nghiệp vốn đang làm đau đầu nhiều nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.

OECD cũng cho biết nhiều biện pháp cải cách sẽ đòi hỏi nguồn ngân sách khá lớn mà nhiều quốc gia không thể đáp ứng vì vậy những quốc gia có nguồn ngân sách eo hẹp, có thể ưu tiên thực hiện các biện pháp ít tốn kém hoặc những biện pháp tạo hiệu quả cao trong ngắn hạn.

Theo OECD, các quốc gia ở Nam Âu đã chủ động hơn trong việc thúc đẩy cải cách so với các quốc gia láng giềng ở khu vực phía Bắc. Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico được đánh giá là có kết quả cải cách trên trung bình trong khi các quốc gia còn lại vẫn “chưa làm đủ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.