OECD: Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ chậm nhất trong 5 năm

OECD hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 từ 3,3% trước đó xuống 3%, như vậy, kinh tế năm 2016 sẽ không tiến bước nào so với năm 2015 - tốc độ tăng trưởng chậm nhất 5 năm qua.
OECD: Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ chậm nhất trong 5 năm ảnh 1Tổng thư ký OECD Angel Gurria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm 34 thành viên có trụ sở tại Paris (Pháp) công bố dự báo không khả quan về tình hình kinh tế năm 2016, trong đó giảm mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn, cũng như cảnh báo các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đối phó với tình trạng giảm cầu.

OECD hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 từ 3,3% đưa ra hồi tháng 11/2015 xuống 3%. Như vậy, kinh tế năm 2016 sẽ không tiến bước nào so với năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ 5 năm qua.

Thương mại, đầu tư và mức lương giữ ở mức yếu, đặt ra yêu cầu phải có chính sách phù hợp khẩn cấp để kích thích tăng trưởng, trong đó không chỉ chính sách tiền tệ, mà cần phải có một chính sách phối hợp tập thể để tăng cầu.

Mỹ và Đức là hai nền kinh tế lớn nhất cùng bị hạ mức dự báo tăng trưởng, lần lượt còn 2,0% và 1,3% trong năm 2016, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dụ báo cuối năm 2015. Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng giảm tốc, còn 1,4% trong năm 2016.

Hiệu quả tích cực từ giá dầu thấp không lớn như kỳ vọng, thêm vào đó lãi suất rất thấp và đồng euro yếu đã không đảm bảo duy trì được dòng đầu tư mạnh hơn. Tuy nhiên, đến năm 2017, kinh tế Mỹ và Eurozone sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,2% và 1,7% tương ứng.

Đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc, OECD không thay đổi dự báo cho hai năm tới, song để ngỏ khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này giảm tốc, với mức tăng trưởng còn 6,5% trong năm 2016 và 6,2% trong năm kế tiếp.

Trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới khác, Brazil được xem là "nạn nhân chính" của giá hàng hóa giảm, suy giảm sẽ ở mức sâu hơn dự báo, với mức tăng trưởng là âm 4%, thay vì âm 2,8% như công bố hồi tháng 11/2015.

Một trong những điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo của OECD là Ấn Độ. Nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng tới 7,4% trong năm nay, tăng 0,1 điểm phần trăm so với mức năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.