OECD kêu gọi Mexico mở cửa nền kinh tế hơn nữa cho đầu tư nước ngoài

Báo cáo của OECD nêu rõ Mexico cần giảm thiểu các hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài trong các “lĩnh vực then chốt” như ngân hàng và giao thông vận tải để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
OECD kêu gọi Mexico mở cửa nền kinh tế hơn nữa cho đầu tư nước ngoài ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EyeforPharma)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa khuyến cáo ngoài năng lượng và viễn thông, Mexico cần mở cửa nhiều lĩnh vực của nền kinh tế hơn nữa đối với đầu tư nước ngoài.

Báo cáo “Cam kết vì sự tăng trưởng” của OECD nêu rõ Mexico cần giảm thiểu các hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài trong các “lĩnh vực then chốt” như ngân hàng và giao thông vận tải để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

OCED nhấn mạnh rằng Chính phủ Mexico cần tiếp tục đầu tư và cải cách giáo dục ở các cấp nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó nâng cao trình độ và năng suất lao động.

Năng suất lao động thấp là một trong những nguyên nhân khiến Mexico chưa thu hẹp được khoảng cách về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người với các quốc gia thành viên OECD.

Mặt khác, cải thiện hệ thống giáo dục sẽ góp phần giảm sự bất bình đẳng lớn hiện đang tồn tại giữa các bang của Mexico.

Theo thống kê của Bộ Kinh tế Mexico, nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh đã thu hút hơn 26,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong năm 2016, giảm 5,8% so với năm trước đó.

Dự kiến vốn FDI đổ vào Mexico trong năm nay sẽ tiếp tục giảm do những tác động xấu của chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài số 1 của Mexico, với 10,4 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn FDI, tiếp theo là Tây Ban Nha (10,7%), Đức (9%), Israel (7,5%) và Canada (6,3%).

Báo cáo của OECD được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Baden-Baden, Đức.

Đây là lần đầu tiên hội nghị G20 kết thúc mà không có một cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ mậu dịch trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại rằng cuộc chiến thương mại sẽ bùng nổ do chính quyền Tổng thống Mỹ Trump chủ trương bảo hộ thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.