OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2023 tăng chậm hơn so với năm 2022

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 trong khi nhu cầu năm nay vẫn không thay đổi, ở mức 3,36 triệu thùng/ngày.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2023 tăng chậm hơn so với năm 2022 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Jubail (Saudi Arabia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng mạnh hơn nữa vào năm tới, song tốc độ chậm hơn chút so với năm 2022, với sức tiêu thụ được hỗ trợ bởi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn và kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng mạnh.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 trong khi nhu cầu năm nay vẫn không thay đổi, ở mức 3,36 triệu thùng/ngày.

Mức tiêu thụ dầu mỏ đã tăng trở lại sau khi giảm trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 và dự báo trong năm 2022 sẽ vượt mức tiêu thụ của năm 2019 ngay cả khi giá dầu mỏ tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, giá dầu thô cao và đại dịch COVID-19 đã làm giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới năm nay.

Trong báo cáo, OPEC nêu rõ: "Trong năm 2023, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định trong bối cảnh đạt được sự cải thiện trong tình hình địa chính trị cùng với những tiến bộ trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, sẽ thúc đẩy sức tiêu thụ dầu mỏ."

[Nỗ lực hạn chế của Nga có thể đẩy giá dầu toàn cầu tiếp tục tăng]

Theo OPEC, dự báo trên được đưa ra với giả định cuộc xung đột ở Ukraine không leo thang và những mối đe dọa như lạm phát tăng cao sẽ không gây tác động nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trước đó, ngày 2/6, OPEC và các nước đối tác (OPEC+) đã đồng ý tăng sản lượng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine làm khuấy đảo thị trường năng lượng toàn cầu.

Cụ thể, OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong cả tháng Bảy và tháng Tám. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kết thúc đợt cắt giảm sản lượng lịch sử mà OPEC+ đã thực hiện trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát.

Quyết định được OPEC + đưa ra khi thế giới đang vật lộn với giá năng lượng tăng cao. Các chính phủ, bao gồm cả chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã kêu gọi các nhà sản xuất tăng sản lượng trong nỗ lực kiềm chế tăng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.