OPEC dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng 23% vào năm 2045

OPEC kỳ vọng nhu cầu năng lượng sẽ tăng đáng kể vào năm 2045 mà cụ thể là khả năng tăng 23% từ 258,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021 lên 351 triệu thùng/ngày.
OPEC dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng 23% vào năm 2045 ảnh 1Một cơ sở lọc dầu tại Jeddah, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/10, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais cho biết OPEC dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng 23% vào năm 2045.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya, ông al-Ghais nêu rõ: “Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu năng lượng sẽ tăng đáng kể vào năm 2045 mà cụ thể là khả năng tăng 23% từ 258,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021 lên 351 triệu thùng/ngày. Dầu mỏ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cán cân năng lượng."

[Phản ứng của các nước về quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ]

Tổng Thư ký OPEC cho biết ngành dầu mỏ cần các khoản đầu tư lên tới 12.100 tỷ USD trong dài hạn.

Ông al-Ghais lưu ý: “Nếu những khoản đầu tư này không được thực hiện, chúng ta có thể phải chứng kiến sự giảm sút và biến động. OPEC sẽ ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng cân bằng và toàn diện, không loại trừ bất kỳ nước nào."

Bình luận về quyết định mới nhất của OPEC và các đối tác (OPEC+) giảm mạnh sản lượng từ tháng 11 tới, ông al-Ghais cho biết OPEC+ đạt được sự đồng thuận để hành động nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng năng lượng nào trong tương lai.

Trước đó, ngày 5/10, trong cuộc họp chính sách tại Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng các nước OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.

Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, bất chấp lo ngại động thái này có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.