Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 12/10 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 và 2023 lần thứ tư liên tiếp kể từ tháng 4/2022, trong bối cảnh các nền kinh tế đang chậm lại, các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 của Trung Quốc gia tăng và lạm phát cao.
Trong báo cáo hàng tháng của mình, OPEC cho biết, nhu cầu dầu sẽ tăng khoảng 2,64 triệu thùng/ngày (2,7%) trong năm 2022, giảm 460.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
OPEC cho hay nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ đầy bất ổn và thách thức gia tăng, trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao, các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, mức nợ chính phủ của nhiều nước cao cũng như các vấn đề về nguồn cung đang diễn ra.
Triển vọng nhu cầu thấp hơn cung cấp thêm bối cảnh cho động thái tuần trước của OPEC và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, thực hiện cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ năm 2020 để hỗ trợ thị trường. Mỹ đã chỉ trích quyết định này.
[Giá dầu trên thị trường thế giới giảm phiên thứ ba liên tiếp]
Tuy nhiên, ngày 12/10, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã hạ dự báo về sản lượng và tiêu thụ toàn cầu vào năm 2023.
Ngay cả sau khi thực hiện động thái trên, OPEC vẫn kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ mạnh hơn trong năm nay và năm 2023 so với Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cơ quan đưa ra dự báo mới nhất vào ngày 13/10.
OPEC dự báo năm 2023, nhu cầu dầu có thể tăng khoảng 2,34 triệu thùng/ngày, ít hơn 360.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC nhận định nhu cầu dầu năm 2023 sẽ vượt mức trước đại dịch năm 2019.
Trái lại, Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến nhu cầu tăng khoảng 1,5% trong năm 2023 lên 101,03 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo 101,50 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Bộ này cũng chỉ dự kiến sản lượng tăng 0,8% lên 100,73 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 3,1% xuống 2,7% và năm 2023 xuống 2,5%, đồng thời cho biết tăng trưởng kinh tế có khả năng suy yếu hơn nữa.
OPEC cho biết, những rủi ro đi xuống lớn vẫn còn, đồng thời cho biết các yếu tố như các biện pháp tài khóa tại Liên minh châu Âu và Trung Quốc, và bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến Ukraine sẽ có tác động hạn chế./