Các nhà chức trách Peru ngày 26/4 thông qua kế hoạch tổng thể bảo tồn danh thắng Machu Picchu, vốn được biết đến với tên gọi "Thành phố đã mất của người Inca," trong giai đoạn 2015-2019.
Cơ quan bảo tồn khu vực thiên nhiên quốc gia (Sernanp) cho biết sau hai năm nghiên cứu tỉ mỉ, kế hoạch này đã được thông qua với sự tham gia rộng rãi của Chính phủ, các cơ quan nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư vùng Cuzco sống quanh khu vực này.
Theo kế hoạch nói trên, ngoài việc bảo tồn Machu Picchu, các vùng bảo tồn thiên nhiên xung quanh với diện tích lên tới 37.000ha cũng sẽ được chú trọng với một chiến lược phát triển dài hạn tới 20 năm. Chính phủ Peru sẽ đầu tư kinh phí thực hiện kế hoạch này.
Ngoài ra, các hoạt động du lịch phục vụ phát triển kinh tế sẽ được thúc đẩy hơn nữa theo hướng đa dạng hóa với việc mở tuyến đường sắt dài 122km nối thành phố Cuzco với Machu Picchu.
Theo Sernanp, đây là sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị sinh thái, thiên nhiên với lịch sử và di sản kiến trúc nghìn năm tuổi. Người dân địa phương sẽ tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, quản lý môi trường nhằm giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp không khói.
Nằm trên một hẻm đá hiểm trở ở độ cao 2.500m so với mặt nước biển, thành phố Machu Picchu được xây dựng từ hơn 500 năm trước và là biểu tượng vĩ đại nhất của đế chế Inca.
Hầu hết các nhà khảo cổ học hiện nay tin rằng đây là kinh thành được xây dựng dưới thời vị vua Inca đầu tiên. Sau khi đế chế Inca sụp đổ, Machu Picchu cũng bị lãng quên cho đến khi nhà thám hiểm người Mỹ Hiram Bingham tình cờ phát hiện năm 1911. Sau đó, Bingham đã bị buộc tội mua chuộc người dân địa phương bán cho ông ta hơn 46.000 cổ vật gốm, trang sức và xương để mang về Mỹ. Nhiều hoạt động pháp lý đã được tiến hành để đòi lại hàng nghìn đồ vật đã bị mang đi nhưng đến nay mới chỉ thu được một số kết quả.
Machu Picchu đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1983 và được cộng đồng quốc tế bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới trong năm 2007. Mỗi năm, thành phố cổ này đón khoảng 2,5 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó 70% là người nước ngoài./.