PetroVietnam: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm, PetroVietnam nộp ngân sách 45,2 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn tăng hơn 3 lần.
PetroVietnam: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021 ảnh 1Trong 6 tháng đầu năm, PetroVietnam nộp ngân sách nhà nước vượt 42% kế hoạch 6 tháng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) vừa tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ với lãnh đạo các đơn vị thành viên để đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác nửa cuối năm 2021.

Theo đánh giá, các chỉ tiêu tài chính của tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Thực hiện tốt mục tiêu kép

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19; đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều đơn vị, công trình dầu khí và một số khu công nghiệp, những địa bàn kinh tế năng động nhất đất nước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… của nền kinh tế.

[PVN đón nhận dòng khí đầu tiên giai đoạn 2A, mỏ Sử Tử Trắng]

Trong bối cảnh đó, với việc kiểm soát tốt công tác an toàn, dịch bệnh, phát huy kinh nghiệm, hiệu quả trong quản trị điều hành, tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế thế giới và giá dầu tích cực, PetroVietnam đã bám sát kế hoạch, diễn biến tình hình thị trường, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ chính được giao.

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu đã hoàn thành kế hoạch 6 tháng ngay trong tháng 5/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng dầu thô, condensate vượt 15% so với kế hoạch, góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác quy dầu 6 tháng đạt 9,68 triệu tấn. Công tác sản xuất xăng dầu, phân đạm cũng vượt kế hoạch được giao.

Cùng với đó, các chỉ tiêu tài chính đã hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Đại diện PetroVietnam cho biết tổng doanh thu toàn tập đoàn trong nửa đầu năm đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020. Nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch 6 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Các chỉ tiêu tài chính trên cho thấy lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt được tích cực hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của giá dầu (gấp hơn 3 lần mức tăng giá dầu).

Cụ thể, giá dầu thô bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 66,8 USD/thùng, vượt 48% giá kế hoạch, trong khi đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn 6 tháng đầu năm vượt 165% kế hoạch. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 6 tháng đầu năm ước đạt 4,6%, thuộc nhóm các công ty dầu khí có hệ số ROE tốt trên thế giới.

Có thể nói để đạt được kết quả rất khả quan này, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố thuận lợi từ xu hướng tích cực của giá dầu mà phần lớn là do công tác quản trị đã được ban lãnh đạo tập đoàn đặc biệt chú trọng thực hiện.

Song song với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành xuyên suốt từ tập đoàn tới các đơn vị thành viên và từng lĩnh vực cụ thể.

Kết quả này đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cùng với đó, các mặt hàng chiến lược của tập đoàn như xăng, dầu, khí, điện, đạm... không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà đã cung ứng sản phẩm thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

PetroVietnam đã có nhiều nỗ lực trong công tác đầu tư, từng bước giải quyết, tháo gỡ vướng mắc tại các dự án khó khăn, đạt một số bước tiến đáng ghi nhận; thúc đẩy xây dựng các chuỗi giá trị nhằm tăng cường phối hợp, chia sẻ, tận dụng các lợi thế, nguồn lực của các đơn vị trong tập đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động chung (đến hết tháng 6/2021, tập đoàn đã triển khai 19 chuỗi liên kết).

PetroVietnam: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021 ảnh 2Người lao động dầu khí tại Trung tâm Điều độ khí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Công tác tối ưu, tiết giảm chi phí được triển khai tích cực. Tổng chi phí tiết giảm ước đạt 1.691,6 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch tiết giảm của năm 2021, đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất-kinh doanh chung của tập đoàn.

Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 được quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong toàn tập đoàn. Tất cả các đơn vị trong tập đoàn đều duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh ổn định, kiểm soát được lượng hàng tồn kho, công tác phòng chống dịch COVID-19 được quán triệt thực hiện nghiêm túc và triệt để, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, đến nay PetroVietnam đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 và ủng hộ công tác phòng chống dịch ở các địa phương trong cả nước. PetroVietnam cũng đã triển khai an toàn việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 1 vạn lượt cán bộ công nhân viên.

Tiếp tục nỗ lực trong 6 tháng cuối năm

Phát biểu chỉ đạo, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam ghi nhận nỗ lực của tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm, với nhiều đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Nhận định thách thức còn rất nhiều ở phía trước, đặc biệt là đại dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, giá dầu biến động khó lường, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Hoàng Quốc Vượng đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch cả năm.

“Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hơn lúc nào hết, các đơn vị cần đoàn kết, đặc biệt là các đơn vị trong chuỗi giá trị cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhau hoàn thành kế hoạch được giao,”ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Tổng kết giao ban, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PetroVietnam cho biết trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cũng như các khó khăn về việc làm, thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh,... nhưng bằng sự nỗ lực rất lớn của toàn tập đoàn với nhiều giải pháp hiệu quả, PetroVietnam đã hoàn thành vượt mức toàn diện các kế hoạch được giao, đặc biệt về chỉ tiêu tài chính tăng trưởng cao, kỳ vọng sẽ sớm phục hồi so với giai đoạn trước dịch bệnh COVID-19.

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm và cả năm 2021, ông  Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục cập nhật, tăng cường công tác dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường để nhận diện rủi ro, cập nhật giải pháp trong quản trị, điều hành linh hoạt hoạt động sản xuất-kinh doanh cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19...

Tổng Giám đốc PetroVietnam đề nghị các đơn vị đảm bảo cân đối giữa sản lượng dầu và khí để hoàn thành chỉ tiêu quan trọng nhất là sản lượng khai thác dầu khí của tập đoàn; đẩy mạnh mở rộng thị trường khí, các sản phẩm lọc hóa dầu, cũng như các sản phẩm khác; tiếp tục tối ưu đầu tư, tối ưu chi phí sản xuất, tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động; hiện thực hóa các chuỗi liên kết trong tập đoàn và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.