Ngày 30/6, tại Hội nghị sơ kết sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, một trong những nhiệm vụ trong tâm của ngành lâm nghiệp trong những tháng cuối năm 2016 là duy trì tốc độ tăng trưởng, phấn đấu tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp đạt 6,5%.
Để đạt mục tiêu trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã đưa ra các giải pháp như tập trung thực hiện đồng bộ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; đảm bảo duy trì được kim ngạch xuất khẩu (mọi năm tăng khoảng 10-12%). Đây là đầu ra rất quan trọng, góp phần ổn định, duy trì sự phát triển chuỗi liên kết trong bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện cả nước có 132 Công ty lâm nghiệp phải sắp xếp khẩn trương. Việc sắp xếp này làm cho các công ty lâm nghiệp đảm bảo mục tiêu làm ăn có hiệu quả hơn nhưng cũng là bước chấn chỉnh việc diện tích rừng đang bị chồng lấn, lấn chiếm trái pháp luật ở nhiều khu vực.
Bên cạnh đó, điều chỉnh điện tích đất giao cho chính quyền, để chính quyền giao lại cho các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển lâm nghiệp và giải quyết đất đai cho bộ phận người dân còn khó khăn theo cơ chế hiện nay.
Để giải quyết tình trạng mất rừng tại một số vùng trọng điểm như Tây Nguyên và một số tỉnh Tây Bắc trong thời gian qua, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, trước hết cần sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với chính quyền cơ sở, với các ngành bảo vệ pháp luật để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, kiên quyết chấn chỉnh lực lượng bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ phát triển rừng các cấp.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung rà soát các cơ chế chính sách nhất là cho địa bàn Tây Nguyên đảm bảo có tính khả khi, bởi hiện có rất nhiều chính sách ban hành ra nhưng vì không có nguồn lực cân đối, không triển khai quyết liệt nên các chính sách không đi vào thực tế.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, vấn đề nữa là giải quyết tình trạng dân di cư tự do. Hiện nay, nhu cầu vốn để giải quyết dân di cư tự do (đối tượng phá rừng chính) là rất lớn, hiện nhà nước chỉ đảm bảo được khoảng vài chục phần trăm nhu cầu vốn ngân sách từ các đự án được duyệt. Do đó, cũng phải tính đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này thông qua cơ chế đổi đất để có nguồn vốn.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn trên 3,3 tỷ USD, tương đương cùng kỳ; trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 507,7 triệu USD.
Tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của cả nước là 127.747ha trong tổng số hơn 3,5 triệu ha rừng trồng, chiếm 3,7% diện tích rừng cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung ước đạt 8,3 triệu m3.
Tính đến 20/6, cả nước trồng được 23.622 ha, đạt 35% tổng diện tích rừng trồng thay thế; trong đó các dự án thuỷ điện trồng được 11.338ha, các dự án khác 12.285ha./.