Phần lớn hàng tiêu thụ tại Anh nhờ chương trình khuyến mại

Dạo một vòng qua các trung tâm thương mại hay các khu phố mua sắm nhộn nhịp ở thủ đô London của Anh, bạn có thể thấy vô số bảng giá kiểu như “mua hai trả tiền một," “mua ba tính tiền hai”...
Phần lớn hàng tiêu thụ tại Anh nhờ chương trình khuyến mại ảnh 1Rượu, bia là một trong những mặt hàng được khuyến mại quanh năm dưới nhiều hình thức ở các cửa hàng, siêu thị tại Anh. (Ảnh: Như Mai/​Vietnam+)

Dạo một vòng qua các trung tâm thương mại hay các khu phố mua sắm nhộn nhịp ở thủ đô London của Anh, bạn có thể thấy vô số bảng giá kiểu như “mua hai trả tiền một," “mua ba tính tiền hai” hay “mua sản phẩm thứ hai tính tiền một nửa”…

Để chuẩn bị cho mùa Giáng sinh 2015, các nhà bán lẻ tại Anh đang nỗ lực thu hút khách hàng bằng những sản phẩm được bán với giá khuyến mại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là các "chiêu" khuyến mại của các công ty bán lẻ hòng che đi giá thành thực sự của hàng hóa.

Phần lớn hàng tiêu thụ tại Anh nhờ chương trình khuyến mại ảnh 2Các siêu thị tại Anh thu hút khách hàng bằng các mức giá hấp dẫn trước mùa Giáng sinh 2015. (Ảnh: Như Mai/Vietnam+)

Nghiên cứu mang tên “Giá cả và khuyến mại ở Tây Âu” do tập đoàn nghiên cứu thị trường IRI có trụ sở tại Mỹ thực hiện cho thấy các hoạt động mua sắm thông qua các chương trình khuyến mại khi mua với số lượng nhiều ước chiếm tới gần 29% doanh số bán lẻ tại châu Âu, trong khi khoảng gần 55% lượng hàng hóa bán cho người tiêu dùng ở các siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn tại Anh là thông qua các chương trình khuyến mại kiểu này. Thống kê của IRI dựa trên các số liệu được tập đoàn nghiên cứu trong 52 tuần tính đến tháng Năm

Tuy nhiên, các nghiên cứu của IRI cũng chỉ ra rằng các chương trình khuyến mại của các siêu thị, cửa hàng không phải là quá đặc biệt và chỉ là “chiêu” để che đi giá thành của hàng hóa.

Theo IRI, các sản phẩm được giảm giá hay các sản phẩm nằm trong các chương trình khuyến mại khi mua với số lượng nhiều cũng không phải là ngoại lệ, dù nó chiếm đa phần lượng hàng hóa bán cho người tiêu dùng Anh. Không chỉ vậy, việc sử dụng các biện pháp khuyến mại kiểu này, thậm chí được áp dụng gần như quanh năm đối với một số sản phẩm, có thể không có lợi cho các nhà bán lẻ, bởi người tiêu dùng có chiều hướng “chờ” giá khuyến mại.

Nhìn vào tỷ trọng hàng hóa được bán thông qua các chương trình khuyến mại trên tổng doanh số bán hàng hóa tại Anh so với tại châu Âu vừa đề cập ở trên (gần 55% so với gần 29%), có thể thấy Anh là nước có mức độ khuyến mại lớn nhất tại châu Âu. Lấy ví dụ tại Tây Ban Nha và Pháp, các chương trình khuyến mại chi phối khoảng 1/5 doanh số bán ra, trong khi tỷ lệ này tại Italy là 1/3.

Đồ uống có ga, kẹo và các sản phẩm dưỡng da là những mặt hàng nằm trong danh mục khuyến mại thường xuyên của các tập đoàn bán lẻ Anh, trong khi khoảng 83% doanh số bán Coca Cola, 81% doanh số bán sản phẩm khử mùi cơ thể hay 80% doanh số bán sản phẩm xả tóc là thông qua các chương trình khuyến mại.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của IRI cảnh báo rằng việc các tập đoàn bán lẻ tại Anh phụ thuộc nhiều vào các hoạt động khuyến mại sẽ càng làm gia tăng tâm lý “săn” và “chờ” hàng khuyến mại ở người tiêu dùng, trong khi lại đặt gánh nặng lên vai các nhà sản xuất.

Trong khi đó, các hiệp hội tiêu dùng khuyến nghị rằng các tập đoàn bán lẻ nên đưa ra hệ thống định giá bán minh bạch và rõ ràng hơn để người tiêu dùng có thể biết được liệu họ có được mức giá tiết kiệm thực sự hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.