Pháp hỗ trợ 600 triệu euro cho nông dân để giải tỏa căng thẳng

Nhằm giải tỏa căng thẳng trong nhiều ngày qua, chính phủ Pháp đã công bố gói hỗ trợ trị giá hơn 600 triệu euro (655 triệu USD) cho những nông dân gặp khó khăn.
Pháp hỗ trợ 600 triệu euro cho nông dân để giải tỏa căng thẳng ảnh 1Quang cảnh cuộc biểu tình ở Morlaix, miền tây nước Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhằm giải tỏa căng thẳng trong bối cảnh liên tiếp vài ngày qua diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối việc giá nông sản sụt giảm mạnh, chính phủ Pháp ngày 22/7 đã công bố gói hỗ trợ trị giá hơn 600 triệu euro (655 triệu USD) cho những nông dân gặp khó khăn.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố: "Chúng ta đã chứng kiến nỗi thống khổ của nông dân, những người đang làm một công việc đáng trân trọng hơn bao giờ hết, đó là làm ra sản phẩm để nuôi sống mọi người dân. Vậy mà cuộc khủng hoảng giá nông sản và cạnh tranh gay gắt hiện nay đang đẩy một số nông dân đến bờ vực phá sản."

Ông Manuel Valls tuyên bố chính phủ sẽ miễn khoảng 100 triệu euro tiền thuế và dành riêng một khoảng hơn 500 triệu euro để hỗ trợ nông dân kéo dài thời gian trả nợ và thuế.

Ngoài ra, Ngân hàng đầu tư công của Pháp sẽ bảo lãnh khoản vay trị giá 500 triệu euro cho nông dân nhằm giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng vốn của nhà nông.

Từ vài ngày qua, nông dân Pháp đã biểu tình, đổ phân bón chất đống trong các thành phố, phong tỏa nhiều tuyến đường và quốc lộ, đồng thời ngăn cản khách du lịch tới đảo Mont-St Michel - một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tại Pháp.

Suốt đêm 21/7, đám đông người biểu tình đã dùng khoảng 500 máy kéo chặn tuyến cao tốc A1 - tuyến giao thông huyết mạch nối thủ đô Paris với miền Bắc nước Pháp. Những người này cũng đe dọa sẽ tăng cường phong tỏa đường tới nhiều thành phố và các khu du lịch khác.

Thời gian qua, các nông dân Pháp đối mặt với một loạt khó khăn do giá nhiều loại nông sản, như thịt bò, thịt lợn, sữa... giảm mạnh, một phần do phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại giá rẻ hơn từ các nước Liên minh châu Âu (EU), một phần do Nga cấm nhập nhiều loại nông sản từ EU.

Ngoài ra, các nông dân Pháp cũng chỉ trích hệ thống siêu thị, các nhà phân phối và ngành công nghiệp chế biến "bắt tay nhau" nhằm hạ giá nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.