Pháp và Đức đề xuất Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh với Nga

Đức và Pháp đang hối thúc Liên minh châu Âu cần tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Nga để thiết lập lại quan hệ, trong bối cảnh EU thừa nhận rằng mối quan hệ với Moskva đang ở mức thấp nhất lịch sử.
Pháp và Đức đề xuất Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh với Nga ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đức và Pháp đang hối thúc Liên minh châu Âu (EU) cần tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Nga để thiết lập lại quan hệ, trong bối cảnh EU thừa nhận rằng mối quan hệ với Moskva "đang ở mức thấp nhất" trong lịch sử.

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn báo Financial Times ngày 23/6 cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi EU mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối này dự kiến diễn ra vào ngày 24-25/6 tại Brussels (Bỉ).

Đề xuất của Đức được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ. Berlin và Paris hy vọng rằng EU sẽ sẵn sàng hợp tác với Moskva trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như bảo vệ môi trường, cuộc chiến chống khủng bố, y tế và các chương trình vũ trụ.

[Lãnh đạo Đức và Pháp kêu gọi Liên minh châu Âu đối thoại với Nga]

Đề xuất trên được hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần trước. Thủ tướng Merkel cho rằng cuộc gặp song phương giữa ông Putin và ông Biden có thể góp phần bình thường hóa quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Bà Merkel lưu ý rằng châu Âu cần thay đổi hướng đi trong hợp tác với Moskva để từng bước cải thiện quan hệ.

Dự kiến, 27 nhà lãnh đạo của EU sẽ thảo luận về mối quan hệ với Nga trong một cuộc họp của khối này diễn ra trong ngày 24/6. Tuy nhiên, đề xuất của Đức và Pháp cũng đang vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên EU - đặc biệt là các nước ở Đông Âu. Đại diện các nước này cho rằng vẫn còn "quá sớm" để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh "khi có vấn đề tích cực để thảo luận."

Nhiều ý kiến cũng yêu cầu làm rõ "về định dạng cho cuộc đối thoại này", ví dụ như cách thức và cấp độ tiến hành đối thoại và các cơ quan thuộc EU sẽ đóng vai trò gì.

Mối quan hệ của EU và Nga xấu đi kể từ khi Moskva sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Kể từ thời điểm này, hai bên không tiến hành hội nghị thượng đỉnh. EU đã đưa ra nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan vấn đề Bán đảo Crimea, trong khi Moskva cũng có nhiều biện pháp đáp trả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.