Chủ đề cấp thiết Nối tiếp mạch chủ đề thời sự nóng bỏng, năm 2010-2011 là chủ đề Giao thông thời hội nhập, Cúp Rồng tre lần thứ 3 (2011-2012) chọn chủ đề Môi trường và biến đổi sinh thái - một vấn đề cực kỳ cấp thiết của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Họa sĩ Lý Trực Dũng, cố vấn nghệ thuật của giải nhận định: "Những ngày qua chúng ta đều hồi hộp nín thở nghe tình hình lũ lụt ở Thái Lan, rõ ràng biến đổi khí hậu đang có những những tác động hết sức khủng khiếp lên cuộc sống của con người. Báo Thể thao & Văn hóa chọn đề tài về Môi trường và Biến đổi sinh thái lần này đã bắt kịp đời sống và sự kiện này rất có ý nghĩa. Vì biếm họa tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, ít lời nhưng có thể nói lên rất nhiều." Cuộc thi Biếm họa báo chí- Cúp Rồng tre dành cho các họa sĩ biếm họa chuyên và không chuyên, cũng như mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam yêu thích biếm họa. Tác phẩm gửi về có thể đã được đăng báo hoặc được sáng tác để đăng báo trong hai năm 2010 – 2011. Theo Ban tổ chức, chủ đề đặt ra năm nay có biên độ rất rộng cho người dự thi. Bám theo chủ đề này, người dự thi có thể theo các tiêu chí sau đây để sáng tác: Phản ánh các vấn đề môi trường, sinh thái mang tính toàn cầu; cảnh báo các hoạt động kinh tế xã hội có thể kéo theo các hậu quả về môi trường, trực tiếp hay gián tiếp làm biến đổi sinh thái; Lên án các các hành vi gây ô nhiễm môi trường và các hậu quả của nó đối với sự đa dạng sinh học và sức khỏe con người; Chuyển tải những thông điệp bảo vệ môi trường, tác động đến nhận thức và làm thay đổi cách ứng xử của con người đối với môi trường sống theo chiều hướng tích cực hơn. Họa sĩ Hoàng Dự, cây bút biếm họa nổi tiếng nói về chủ đề môi trườnglần này: “Sự ích kỷ đã lên ngôi nhiều quá rồi. Chủ đề lần này vừa gắnbó với chúng ta lại vừa xa lạ. tôi nghĩ là theo mệnh lệnh của cuộcsống, các chiến sĩ biếm họa lại vào cuộc. Tôi nhớ rằng trong thời kỳchúng ta còn đang rât khổ mà trên các bức tường hợp tác xã, biếm họa đãtham gia vào hành trình của đất nước." Đặc biệt, nối tiếp các hoạt động tưởng nhớ 50 năm thảm họa chất da cam tại Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2011), Giải biếm họa năm nay đặc biệt khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng đề tài về chất độc da cam. Sau cuộc thi báo Thể thao & Văn hóa sẽ tổ chức các hoạt động gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam. Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam là sáng kiến của báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam được khởi xướng nhân dịp kỷ niệm 85 năm Biếm họa báo chí Việt Nam (1922 - 2007). Qua hai lần tổ chức, giải thưởng đã trở thành cuộc tôn vinh biếm họa lớn nhất toàn quốc, thu hút hàng trăm họa sĩ biếm chuyên và không chuyên tham gia; trở thành một sự kiện cách năm được chờ đợi nhất đối với thể loại báo chí nghệ thuật này. Sức mạnh của biếm họa Ông Ngô Hà Thái- Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo: “Họa sĩ chuyên về biếm họa ở nước ta hiện nay chưa có nhiều. Ở miền Bắc có thể đếm trên đầu ngón tay và miền Nam thì dù có nhiều hơn song so với nhu cầu cần phát triển của tranh biếm họa thì còn thấp. Cần thấy rằng biếm họa là những bài báo bằng tranh có cách nhìn châm biếm về xã hội. Từ đó hướng đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống cộng đồng." Theo ngài John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch: “Biếm họa là cách tiếp cận hài hước nhưng cũng đầy nghệ thuật. Đó cũng là cách ta đối mặt với những thách thức hàng ngày. Biếm họa là phần không thể thiếu được của báo chí và luôn gây quan tâm, thích thú với độc giả." Vì biếm họa là loại hình thể hiện sự giao thoa giữa báo chí và nghệ thuật, họa sĩ Thành Chương- Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tâm sự: “Tôi có duyên với biếm họa, cái duyên đó thể hiện ở quá trình làm việc và sự việc quen biết với nhiều họa sĩ biếm họa. Tác phẩm biếm họa có giá trị mang sự kết hợp giữa ý tưởng độc đáo với tạo hình đẹp đẽ. Tính đến nay thì đây là giải thưởng chính thức lớn nhất cho biếm hoạ mang tính báo chí trên toàn quốc.” Nhận định về vai trò của biếm hoạ, họa sĩ nổi tiếng Trần Lương nói: “Biếm họa là phương tiện phản biện xã hội rất thành công. Vậy mà nếu trong một thời gian nào đó không chú trọng phát triển biếm họa là rất đáng tiếc. Vì thế mà cộng đồng biếm họa bị nhỏ đi.” Còn theo họa sĩ Lý Trực Dũng: “Cần phải trả lại vị trí cho biếm họa. Vì có khi chỉ cần một giây xem biếm họa đã bằng đọc một bài báo rất dài." Tại lễ phát động, đại diện ban tổ chức đã công bố về thể lệ cuộc thi và nhấn mạnh vào những điểm khác so với hai lần trước. Năm nay, với chủ đề môi trường và biến đổi khí hậu, có thể thấy sự cấp bách của nội dung sáng tạo biếm hoạ không chỉ nóng hổi với Việt Nam mà còn với toàn thế giới. Nhân loại đang đứng trước những nguy cơ về môi trường và biến đổi khí hậu rất phức tạp. Và vì thế con người cần có cái nhìn tỉnh táo và thấm thía về những gì mình gây ra. Hy vọng các hoạ sĩ biếm họa sẽ nhiệt tình tham gia vào cuộc thi và cũng là tham gia bảo vệ môi trường. Được biết, trong Cup Rồng tre lần thứ ba này, chất liệu tranh được quy định “mở” cho các tác giả tự do chọn lựa. Tuy nhiên để nâng cao yêu cầu về chất lượng mỹ thuật mà mỗi tác giả chỉ được gửi 5 tác phẩm thay vì 10 như năm trước. Kích cỡ tác phẩm cũng được quy định lớn hơn. Tối thiểu là A3 và tối đa là A2 (năm ngoái là A4). Cần gửi tác phẩm với “chữ ký tươi” là một lưu ý của ban tổ chức.
Giải thưởng được nâng lên so với trước 01 giải Nhất (Cúp Rồng Tre) trị giá 20.000.000đồng/giải 02 giải Nhì trị giá 10.000.000 đồng/giải02 giải Ba trị giá 6.000.000 đồng/giải 05 Tặng thưởng (khuyến khích) 2.000.000 đồng/giải 01 Giải Cộng đồng mạng bình chọn qua website www.thethaovanhoa.vn/biemhoa. Giải trị giá 5.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có một số giải riêng của các cơ quan đồng tổ chức trao tặng - vì những giá trị riêng biệt của từng tác phẩm. |