Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.
Lao là một bệnh lây nhiễm với nhiều thể lao phổi và lao ngoài phổi (lao ruột, lao màng phổi, lao màng não…). Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian, do đó việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Người mắc lao phổi thường có các dấu hiệu như ho, ho ra máu, khạc đờm, gầy, sút cân, sốt ra mồ hôi.
Cụ thể, khi có biểu hiện ho kéo dài, khạc đờm dài quá 3 tuần, dùng thuốc không giảm, có thể là do lao phổi. Ho ra máu cũng có thể gặp ở 60% những người lao phổi. Cùng với ho, khạc đờm, gầy, sút cân là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân lao phổi. Đồng thời, sốt là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi, thường là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng khác như: ra mồ hôi trộm, chán ăn, mệt mỏi.
Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi để khám và xét nghiệm. Nếu được chẩn đoán mắc lao cần điều trị dứt điểm và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.
Khi mắc bệnh lao phổi, hệ miễn dịch của bệnh nhân thường bị suy yếu, hấp thu dinh dưỡng kém nên thường dẫn đến sút cân, thiếu chất. Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, người bệnh lao cần bổ sung dinh dưỡng thật tốt để tăng hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhanh khỏi.
Nếu người bệnh có cân nặng trung bình (theo chỉ số BMI) không thay đổi lượng thức ăn mỗi bữa, nếu người bệnh gầy hoặc quá gầy thì cần tăng cường ăn uống để đạt được mức cân nặng hợp lý.
[Phát hiện hàng nghìn người mắc bệnh lao và nhiễm lao tiềm ẩn]
Thức ăn cần cân đối và cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột, đường, chất đạm, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt đường từ hoa quả chín, có tác dụng hỗ trợ gan thải độc do người bệnh lao phổi phải dùng thuốc lâu dài, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.
Người bệnh lao phổi thường có thể trạng yếu, mệt mỏi, ăn kém ngon do tác dụng phụ của thuốc, vì vậy nên chú ý thay đổi thực đơn để kích thích người bệnh ăn uống. Việc chia nhỏ bữa ăn trong ngày để người bệnh dễ hấp thu và đảm bảo được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, người mắc bệnh lao cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, E, C, vitamin B6, kẽm, sắt.
Các loại rau lá tươi có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng đỏ như cam, xoài, đu đủ, cà chua, cà rốt chứa nhiều vitamin A, C; gan gia súc vật và gia cầm, thịt đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò, cá biển... nhằm tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn, chống ôxy hóa.
Hơn nữa, do người bệnh hấp thu kém, dễ gặp rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp vitamin K giảm, gây trở ngại quá trình đông máu. Vì vậy, cần ăn thực phẩm giàu vitamin K, B6 có nhiều trong gan động vật, các loại rau có màu xanh đậm.
Dùng thuốc điều trị lao thường phải dùng kéo dài theo phác đồ chống lao, các thuốc này lại làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B6 dễ gây viêm dây thần kinh ngoại biên, giảm miễn dịch và thiếu hụt kẽm ở người bệnh dẫn đến chán ăn, suy giảm hệ miễn dịch.
Do đó người bệnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin B6 như thịt lợn nạc, thịt gà, đậu, đỗ các loại, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt... và các loại thực phẩm giàu kẽm như sò, hến, hàu, cùi dừa già, đậu Hà Lan, đậu tương, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc... giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Đặc biệt, nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở người bệnh lao rất cao làm giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tim mạch... do vậy cần chú trọng sử dụng thực phẩm giàu sắt như mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng, thịt bò, thịt nạc, gan động vật...
Người mắc lao cần lưu ý bên cạnh chế độ dinh dưỡng tốt, cần sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý thì không dùng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… vì những chất này làm giảm hiệu quả điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc./.