Khu Di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam, thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế.
Dấu ấn Chăm Pa giữa lòng xứ Quảng
Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 13. Năm 1898, một người Pháp tên là M.C Paris đã phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn nằm kín đáo trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng rậm rạp.
Sau đó không lâu, những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở Mỹ Sơn.
Cũng chính họ đã vén lên bức màn bí mật về Mỹ Sơn và cho thấy đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm.
Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14, dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.
Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
Các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông - phương Mặt Trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông-Tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
[Video] Thánh địa Mỹ Sơn: Dấu ấn Chăm Pa giữa lòng xứ Quảng
Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Đáng tiếc công trình lớn nhất là tháp A1 cao 24m, có 6 tháp phụ chung quanh, tháp này được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Chămpa đã bị bom Mỹ đánh đổ vào cuối năm 1969.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần-vua và tổ tiên hoàng tộc.
Ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa-Thông tin đã ra Quyết định số 54VH/QĐ công nhận Mỹ Sơn là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật.
Khu Di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 1/12/1999.
Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững
Sau bao nhiêu thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngày nay Mỹ Sơn vẫn là một di tích có giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của nhân loại, kết tinh của trí tuệ, tài hoa của nhiều thế hệ.
Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn gắn với phát triển du lịch bền vững; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn và phát huy di sản; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý nhà nước, các Công ước Bảo tồn Di sản thế giới và Luật Di sản Văn hóa là quan điểm xuyên suốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đang được huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thực hiện.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết sau hơn 20 năm được vinh danh, công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng.
Di sản đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước như: Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Lerici Fondation (Italy), Trường Đại học Milan, Văn phòng UNESCO Hà Nội, Viện ASI (Ấn Độ), Viện Trùng tu Di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Danh thắng Quảng Nam trùng tu, tôn tạo nhóm tháp B, C, D, nhóm tháp G và các nhóm K, H, A. Ngoài các nhóm kể trên, các nhóm còn lại đang nằm trong tình trạng phế tích chưa được trùng tu phục hồi.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngoài sản phẩm hiện có là các khu đền tháp, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn sẽ phát triển sản phẩm du lịch tại vùng đệm và vùng lõi gồm: du lịch văn hóa di sản, du lịch sinh thái trên vùng rừng cảnh quan được giao nhiệm vụ quản lý gồm 1.158ha.
Đơn vị ưu tiên tập trung phát triển mạnh sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái vùng đệm, lấy hồ Thạch Bàn và cảnh quan rừng nguyên sinh xung quanh làm trung tâm nhằm định vị Mỹ Sơn như một điểm đến nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn cao.
Từ năm 2023, cùng với việc tiếp tục hợp tác trùng tu, tôn tạo, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn sẽ tăng cường khả năng kết nối với các điểm đến trong Hành trình Di sản miền Trung và các trung tâm du lịch lớn; phát triển dịch vụ xe điện thân thiện với môi trường và phù hợp với loại hình du lịch hiện đại gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ phiên dịch, giới thiệu cho du khách về giá trị của di sản.
Đơn vị đưa vào khai thác sản phẩm như: cho thuê trang phục Chăm, kết hợp với chụp hình in trên sản phẩm lưu niệm; tăng cường quảng bá hình ảnh, phục vụ cho việc nghiên cứu và quảng bá giá trị di sản toàn cầu của Khu đền tháp Mỹ Sơn./.