Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ "Nghệ thuận Xòe Thái" và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Như vậy, Việt Nam đứng trước cơ hội lần đầu tiên có một nghề thủ công truyền thống được UNESCO vinh danh.
Độc đáo nghệ thuật làm gốm của người Chăm
Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm.
Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Trong đó, tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.
Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.
[Trình UNESCO hồ sơ xòe Thái và nghệ thuật làm gốm của người Chăm]
Hiện nay người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời. Quy trình làm gốm truyền thống của người Chăm bao gồm nhiều khâu công việc, nhiều công đoạn kết nối với nhau. Đầu tiên là việc chọn đất và lấy đất. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung.
Việc chế tác gốm Chăm hoàn toàn bằng tay, nghệ nhân tự đi giật lùi quanh bàn chế tác tạo hình gốm, không dùng bàn xoay như hầu hết các làng gốm khác. Do đi quanh chế tác nên cách vuốt gốm của nghệ nhân Chăm là vuốt thẳng, khác với cách vuốt ngang ở các làng gốm có sử dụng bàn xoay.
Gốm của người Chăm được nung lộ thiên (không dùng lò kín). Thời gian để nung chín toàn bộ sản phẩm gốm nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lượng gốm nhiều hay ít. Với một số sản phẩm mỹ nghệ, nghệ nhân còn sử dụng một số cách tạo màu tự nhiên như rưới, phun nước hạt điều, nước cây thị - trong khi loại tượng nghệ thuật lại có thể được om trấu hoặc củi để tạo những vết loang đen do khói lửa.
Đặc biệt, một đặc trưng quan trọng của gốm Chăm là thế giới tâm linh tín ngưỡng, phong tục, văn hóa Chăm thể hiện qua gốm. Ở Bàu Trúc, chúng ta dễ dàng bắt gặp dáng hình và điệu múa mềm mại của nàng Apsara, vũ điệu thần Shiva qua tượng hoặc phù điêu, các kiểu sinh thực khí linga-yoni, cặp bình đực-cái, điệu múa Chăm, nghệ nhân chơi kèn saranai… cùng những tác phẩm mô phỏng đời sống văn hóa tâm linh khác.
Một phần tất yếu tạo nên tổng thể văn hóa Chăm
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi nói đến nghề thủ công truyền thống của người Chăm thì không thể không nói đến nghề làm gốm hay nói đúng hơn là nghệ thuật làm gốm của họ, bởi đó là một phần tất yếu tạo nên tổng thể văn hóa Chăm.
Với các nhà nghiên cứu, người Chăm và các di sản văn hóa mà họ để lại luôn bí ẩn và độc đáo đối với hậu thế. Nghề làm gốm là một ví dụ.
Phó giáo sư-tiến sỹ Shimoka Sakaya, đại diện nhóm nghiên cứu Nhật Bản cho biết, “gốm Chăm và gốm Churu là tương đối giống nhau, ngoài những đặc điểm riêng mang tính địa phương còn có đặc trưng của gốm cổ Sa Huỳnh và gốm cổ khác ở Đông Nam Á. Đó là gốm làm bằng tay không có bàn xoay, có sử dụng bàn đạp bằng tay, hòn kê, kỹ thuật chải, miết láng và nung ngoài trời. Điều đặc biệt, nhiều làng gốm cổ trên thế giới đã mất thế nhưng gốm Chăm Việt Nam vẫn còn tồn tại, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm, xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hy vọng một lần nữa gốm Chăm lại hồi sinh và tiếp tục lan tỏa.”
Giáo sư Leedom Lefferts (Mỹ) đã bỏ công hơn 20 năm qua đi điền dã về tận các làng nghề ven biển miền Trung chỉ để tìm hiểu gốm Chăm. Cũng như các đồng nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, vị giáo sư 80 tuổi này đánh giá cao nghệ thuật làm gốm của phụ nữ Chăm. Nung ngoài trời, không bàn xoay, nặn bằng tay, mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, không cái nào giống cái nào, đó là sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác.
Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi thì cho rằng, có sự tiếp biến trong dòng chảy văn hóa từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chăm, nhưng sự độc đáo trong nghề làm gốm của người Chăm còn thể hiện ở chỗ, 300 người ở Bàu Trúc cùng làm một sản phẩm (lọ hoa chẳng hạn), nhưng nếu đem trộn lẫn vào nhau, sau đó mỗi người vẫn nhận ra “đứa con” của mình, dù chúng na ná nhau. Dấu ấn để lại trong từng sản phẩm của mỗi người luôn hiện hữu.
Còn theo tiến sỹ Atthasit Sukkham (Thái Lan), ông đã bắt gặp trong các đền đài ở vùng đông bắc nước mình hàng loạt sản phẩm bằng gốm Chăm. Việc xuất hiện ở những nơi linh thiêng ấy chứng tỏ sự lôi cuốn của các loại gốm người Chăm trong thế giới tâm linh không chỉ ở Thái Lan mà cả vùng Đông Nam Á.
Giáo sư-tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung, Viện Văn hóa quốc gia khẳng định, trong hành trình tìm kiếm về văn hóa Chăm, đồ gốm sẽ là “chìa khóa” tiếp cận đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Chăm. Trong mỗi giai đoạn nhất định, họ tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm của giai đoạn trước, trong quá trình giao lưu văn hóa với cộng đồng người xung quanh… gốm Bàu Trúc ngoài đặc điểm riêng mang tính địa phương thì đều mang đặc tính chung của gốm trong khu vực./.