Sau 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khá rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế và hiệu quả của ngành.
Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế.
Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ kết quả cụ thể. Đó là, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản.
Cùng với đó, giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung như lúa gạo; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu, như thủy sản, đồ gỗ...
Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Các địa phương, nhất là ở những vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu đã chuyển đổi khoảng 627.700ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều địa phương xây dựng được nhiều cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, rau, hoa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung quy mô lớn được duy trì, thâm canh cao; nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung phát triển ở địa phương, cũng đem lại giá trị cao.
[Đưa nông nghiệp Việt Nam vào top 15 nước phát triển nhất thế giới]
Cùng đó là cải tạo cơ cấu giống và áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao và hàng chế biến, giá trị gia tăng cao. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng nông sản được cải thiện như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè...
Trong chăn nuôi, đối tượng vật nuôi đã được cơ cấu lại, xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Vùng chăn nuôi cũng được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, theo chuỗi.
Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 8.796 trang trại năm 2013 lên 15.096 trang trại năm 2017. Chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng phát triển mạnh.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh cho lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi, khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến khẩu sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Sản xuất chăn nuôi đã đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu cho xuất khẩu.
Lâm nghiệp cũng đã tập trung thực hiện mạnh các giải pháp bảo vệ và chăm sóc rừng. Cùng đó là tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Bình quân hàng năm cả nước trồng được 223.000 ha rừng tập trung, trong đó 90% rừng sản xuất. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 85%, tăng 13% so với năm 2013.
Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung tăng hơn 2 lần, từ 8 triệu m3 năm 2013 lên 18 triệu m3 năm 2017, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Lợi nhuận của các hộ gia đình chủ rừng tham gia mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm tăng thêm từ 25 - 30%.
Trong lĩnh vực thủy sản, các địa phương cũng đã điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thâm thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực tôm, cá tra.
Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển đã được tổ chức lại theo mô hình kinh tế tập thể đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ. Các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi, các tổ, đội sản xuất phát triển, đem lại hiệu quả rõ rệt và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và an toàn tàu cá.
Nhờ sự tái cơ cấu mạnh mẽ trong các ngành hàng chủ lực trên, cùng với thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng đến 180 quốc gia, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Trong 7 tháng năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, giai đoạn 2017-2020, các lĩnh vực, địa phương tiến hành rà soát lại quy hoạch, chiến lược và lợi thế để phân loại thành 3 cấp sản phẩm: chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm); chủ lực cấp tỉnh và đặc sản địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Theo đó, tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, rà soát chiến lược phát triển ngành chăn nuôi với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, xác định các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là lợi thế tại địa phương; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường. Ngoài ra, duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái.
Với mục tiêu tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt tối thiểu 5%/năm, theo ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngành thủy sản sẽ khuyến khích đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng sử dụng tối đa công suất, tự động hóa nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của thủy sản Việt Nam.
Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến, thương mại sản phẩm thủy sản; tập trung chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ tôm, cá ngừ đại dương, cá tra, rong biển, nhuyễn thể và phụ phẩm từ thủy sản; ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chế biến, bảo quản thủy sản như: công nghệ cấp đông siêu nhanh, sấy chân không thăng hoa, sấy bức xạ hồng ngoại, công nghệ Enzyme, công nghệ bảo quản thủy sản bằng phương pháp ngủ đông...
Để đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành sẽ quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, kết hợp hoạt động bảo vệ, khai thác rừng với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.
Ngành áp dụng mô hình nông lâm kết hợp, phát triển dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ, phối hợp với hoạt động du lịch sinh thái. Đồng thời, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo…; phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp./.