Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông

Đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008).
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông ảnh 1(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 2/8, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai công tác tổng kết và lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết.

Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã khẳng định tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước. Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực đạt được trong 10 năm qua.

Dự kiến, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008). Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6/2018 còn 38,6%). Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%). Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80% (năm 2017 hiệu suất phục vụ tưới đạt 78%, hiệu suất phục vụ tiêu đã đạt 90,2%).

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, đại diện các ban, bộ, ngành tham dự buổi làm việc đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, một số chỉ tiêu khó có khả năng đạt được trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, có những phương hướng, giải pháp cho giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) là nghị quyết chuyên đề lần đầu tiên đã đánh giá và đề ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn với Đảng và Nhà nước; tích cực thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành những chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực triển khai, thực hiện, biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành những mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vào thực tiễn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Trọng tâm là triển khai thực hiện khá thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết, đã đạt nhiều thành quả quan trọng: Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 tăng gần 6 lần so với năm 2008. Nông thôn có nhiều đổi mới, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, được toàn dân hưởng ứng tham gia xây dựng, chỉnh trang, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; xây dựng khu dân cư an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy.

Ghi nhận, biểu dương những thành tích của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong thời gian tới, trước những thách thức từ nội tại của ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phát huy tốt hơn nữa sứ mệnh và vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực.

Ngành cần tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách; làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định kết quả thực hiện Nghị quyết được nêu tại buổi làm việc này cùng với kết quả tổng kết của các bộ, ngành, địa phương là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết trình Bộ Chính trị vào quý 4 năm nay. Vì vậy, trên cơ sở dự thảo báo cáo và ý kiến phát biểu của đại diện các ban, bộ, ngành, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm rõ các mặt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, làm cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết trình Bộ Chính trị vào quý 4 năm nay. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.