Phát huy thế mạnh cảng biển, TP Hồ Chí Minh vươn mình mạnh mẽ

Để phát huy thế mạnh kinh tế biển, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều dự án lớn về cảng biển, thực hiện chiến lược tiến ra "biển lớn."
Phát huy thế mạnh cảng biển, TP Hồ Chí Minh vươn mình mạnh mẽ ảnh 1Đón chuyến hàng đầu tiên của hãng tàu SITC cập vào Cảng Tân cảng Hiệp Phước. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Với đặc điểm nhiều sông, kênh rạch, tiếp biển, trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn gắn liền với thương mại quốc tế thông qua hệ thống cảng biển và đường thủy nội địa. Lợi thế biển đã tạo đà để thành phố vươn mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế của cả nước và là nơi giao thương của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.

Hàng hóa qua cảng biển tăng kỷ lục

Hiện nay cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh có 38 cảng với chiều dài gần 13km đang khai thác, trong đó có một số cảng lớn, đảm trách phần lớn thị phần vận tải biển của cả nước như Tân Cảng-Cát Lái, Cảng Sài Gòn, Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT)…

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong những năm qua, lượng hàng hóa qua cảng biển của thành phố luôn đạt chỉ tiêu đề ra, thậm chí có năm tăng kỷ lục.

Năm 2014, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 109 triệu tấn, tăng 28 triệu tấn so với năm 2013 và vượt cả kế hoạch năm 2015 mà thành phố đề ra là 100 triệu tấn.

Nguyên nhân là do thành phố đã đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như Tân Cảng-Hiệp Phước, dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2…

Dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2, tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng) đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối tháng 6/2014 đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 30.000 DWT (đầy tải) và 50.000 DWT (giảm tải) với hơn 1.700 lượt tàu ra vào cảng biển, rút ngắn thời gian hành trình hơn 1 giờ, rút ngắn cự ly 20km so với hướng lưu thông theo tuyến luồng Lòng Tàu trước đây. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên luồng Soài Rạp năm 2014 đạt 7,2 triệu tấn (tăng 16,08% so với năm 2013).

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiệu quả rõ rệt nhất của dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 là đã đem lại nguồn thuế không nhỏ cho hải quan.

Cụ thể, trước đây chỉ tiêu thu thuế của hải quan Hiệp Phước là 600 tỷ đồng/năm nhưng sau khi luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) đưa vào hoạt động đã điều chỉnh lên 2.000 tỷ đồng và đến cuối 2014, hải quan Hiệp Phước đã thu được 3.400 tỷ đồng.

Nhờ đó, chỉ tính riêng trong năm 2014, doanh thu vận tải hàng hóa thông qua cảng biển của thành phố đạt hơn 15.000 tỷ đồng (tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2013), các cảng biển lớn luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2014, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng Sài Gòn đạt 11 triệu tấn (vượt 29% kế hoạch), tổng doanh thu 853 tỷ đồng (vượt 13 % kế hoạch).

Cảng SPCT đã khai thác an toàn tổng cộng 510 chuyến tàu, trong đó có 470 chuyến tàu container (vượt dự toán trên 150%), góp phần phát triển kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam, gắn chặt với chiến lược di dời cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển dịch vụ logistics và là cảng đầu tiên của cụm cảng số 5 (Đông Nam Bộ) đón tàu lớn trên 4.500 TEU qua luồng Soài Rạp; đáp ứng việc khai thác các tàu cỡ lớn của tuyến thương mại nội Á.

Không dừng lại ở đó, Cảng SPCT còn đặt ra kế hoạch xây dựng trở thành một trong những cảng tiếp nhận xe hơi lớn nhất Việt Nam.

Trong hệ thống cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Bộ Quốc phòng) là một đơn vị chủ lực lĩnh vực khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, chiếm gần 85% thị phần container xuất nhập khẩu phía Nam và gần 50% thị phần của cả nước. Hiện Tân Cảng Sài Gòn quản lý và khai thác 14 cảng, 2 ICD (cảng nội địa) suốt từ Nam ra Bắc, trong đó cảng Cát Lái (quận 2) nằm trong top 34 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới.

Phát huy thế mạnh kinh tế biển

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Chính phủ xác định rõ, cảng Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm số 5 (Đông Nam Bộ) là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực (loại 1), gồm các khu bến chức năng chính là Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) và Cát Lái (trên sông Đồng Nai).

Dự tính lượng hàng qua cảng biển nhóm 5 đạt 185-200 triệu tấn/năm (năm 2015), 265-305 triệu tấn/năm (năm 2020), 495-650 triệu tấn/năm (năm 2030).

Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, thực hiện quy hoạch nói trên, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 cảng trên sông Sài Gòn phải di dời, chuyển đổi công năng là Tân Cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Khu Nhà Rồng-Khánh Hội, Cảng Rau Quả, Cảng Tân Thuận Đông. Hiện việc di dời, chuyển đổi công năng đã cơ bản hoàn tất. Để phát huy thế mạnh kinh tế biển, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai dự án phức hợp Khu công nghiệp, đô thị Cảng Hiệp Phước (quy hoạch 2.000ha).

Trong tương lai, đây sẽ là khu công nghiệp-khu đô thị lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh nằm bên sông Soài Rạp - luồng tàu rộng nhất và ngắn nhất phía Nam có thể đón tàu có tải trọng từ 50.000-70.000 DWT từ Biển Đông vào hệ thống cụm cảng Khu công nghiệp Hiệp Phước; từ đó qua sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lên thượng nguồn qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tiếp cận với vùng công nghiệp miền Đông Nam Bộ, rút ngắn cự lý và thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các vùng.

Hiện nay, thành phố đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn 3 đang tiến hành đền bù giải tỏa, xây dựng hạ tầng cơ bản.

Cùng với đó, dự án Tân cảng Hiệp Phước có tổng diện tích khu đất 16,5ha, nằm ở thượng lưu sông Soài Rạp, cách Cảng SPCT 1,6km, công suất thiết kế 650.000 TEU/năm.

Giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 11/2014 còn giai đoạn 2 dự kiến sẽ khởi công vào quý 2/2015. Trong khi đó, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước (phục vụ việc di dời Cảng Nhà Rồng Khánh Hội) đang triển khai giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2009, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng).

Ngoài ra, thành phố cũng đang đầu tư xây dựng Cảng Tổng hợp quốc tế Phú Hữu. Cảng Bến Nghé Phú Hữu đã  được đưa vào khai thác giai đoạn 1 và đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Bến Nghé và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đầu tư tiếp.

Song song với việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển ở khu vực Cát Lái (quận 2) và khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Thành phố Hồ Chí Minh đang chú trọng việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nhằm phát huy hiệu quả khai thác các cảng biển.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ tuyến vành đai 2 kết nối với cảng Hiệp Phước qua trục Bắc-Nam tại quận 7, tuyến vành đai 3 kết nối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành (đang xây dựng), tuyến vành đai 4 kết nối Khu công nghiệp Hiệp Phước từ phía hạ lưu sông Soài Rạp.

Ngoài ra thành phố cũng sẽ xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước (kết nối với ga Long Định tại huyện Cần Đước và cảng quốc tế Long An tại huyện Cần Giuộc) để vận chuyển hàng hóa.

Có thể nói, với hệ thống cảng như trên, các giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở nên thuận lợi và vô cùng nhộn nhịp.

Cùng với đó, tạo tiền đề vững chắc để Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chiến lược tiến ra "biển lớn" của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.