Phát huy vai trò của MTTQ trong công tác, chính sách dân tộc

Ông Hầu A Lềnh cho rằng, hiện nay, quyền bình đẳng của các dân tộc đã được đảm bảo trên các lĩnh vực chính trị, trong các quan hệ xã hội và trước pháp luật.
Phát huy vai trò của MTTQ trong công tác, chính sách dân tộc ảnh 1Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII Hầu A Lềnh đọc Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất là với Ủy ban Dân tộc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đem lại nhiều kết quả tích cực.

Hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, nhiệm kỳ qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc với những nội dung chủ yếu là: Phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc và giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số, miền núi; phối hợp xây dựng, triển khai hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và phối hợp phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số...

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đã bám sát các nội dung nhiệm vụ đề ra, chủ động phối hợp triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực.

Trên cơ sở các mục tiêu, nội dung của Chương trình và thực tế tình hình từng địa phương, vùng, miền, hai cơ quan đã xác định rõ nội dung, hình thức và phương pháp phối hợp hoạt động phù hợp. Chương trình phối hợp đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Các nội dung của chương trình đều được 2 cơ quan ở các địa phương triển khai thực hiện tích cực và có hiệu quả. Việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác dân tộc được phối hợp thực hiện đạt kết quả.

Đặc biệt, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Ban Dân tộc hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện qui trình lựa chọn, bình xét, lập danh sách hơn 34.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp tổ chức nhiều hình thức phát huy vai trò người có uy tín.

Qua đó, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc, cùng với cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đã giúp cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi từng bước phát triển; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Về việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, ông Hầu A Lềnh cho biết, hoạt động này luôn được chú trọng, góp phần tạo điều kiện phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

[Hiệp thương cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX]

Ở Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế-xã hội-văn hóa của 5 dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu và Rơ Măm); tổ chức các lớp tập huấn về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số”; tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện các chính sách về cử tuyển; phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ... ở vùng dân tộc thiểu số.

Ở các địa phương, nhiều chương trình liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả. Tỉnh Ninh Thuận tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách về giao đất sản xuất, giao rừng khoán quản đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Quảng Trị tổ chức giám sát chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Cao Bằng phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, xóa nhà dột nát, các chương trình cho vay vốn lãi suất ưu đãi của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng giám sát tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Đánh giá về thực trạng kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho rằng, hiện nay, quyền bình đẳng của các dân tộc đã được đảm bảo trên các lĩnh vực chính trị, trong các quan hệ xã hội và trước pháp luật. Các dân tộc ngày càng hiểu biết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường, các dân tộc gắn bó bên nhau, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy vai trò của MTTQ trong công tác, chính sách dân tộc ảnh 2Đại biểu dự Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Lềnh, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương đã được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ; đã cơ bản xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở. Các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng, chất lượng dân số. Đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định. Mạng lưới y tế ở vùng dân tộc thiểu số phát triển.

Triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc

Phân tích những hạn chế, khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số hiện nay, ông Hầu A Lềnh cho biết, vùng dân tộc, miền núi vẫn là vùng kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Khoảng cách thu nhập và đời sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập và mức sống chung của xã hội tiếp tục bị cách xa.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, ở một số địa phương hiệu quả còn thấp. Các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, các yếu kém bất cập của ta về kinh tế, xã hội để kích động, tuyên truyền lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc và gây mất ổn định ở vùng dân tộc thiểu số.

Đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ông Hầu A Lềnh khẳng định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục quán triệt các quan điểm, nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động; phối hợp phát huy vai trò, liên kết trong công tác tuyên truyền giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận các cấp...

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng những mô hình, điển hình trong thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm xây dựng và nhân rộng điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, xây dựng trang trại, đồi rừng… giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục