Ngày 17/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị bàn về đầu tư phát triển Khu du lịch Ba Bể.
Ba Bể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu du lịch quốc gia. Khu du lịch Ba Bể được Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản lập quy hoạch tổng thể. Đồ án đã được phê duyệt tháng 10/2013 với mục tiêu phát triển Ba Bể thành khu du lịch sinh thái số một Việt Nam.
Với hồ Ba Bể là trung tâm, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt, di sản ASEAN, khu ramsar thứ 3 của Việt Nam. Hệ thống hang động, thác nước cùng với điều kiện sống tự nhiên của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... với những nhà sàn, trang phục, văn hóa, lao động, canh tác... tạo nên bản sắc riêng cho Ba Bể, tạo cảm hứng khám phá cho du khách.
Tổng Giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn Trần Hùng Việt cho biết công ty sẽ dựa trên những yếu tố cần để đưa ra giải pháp phát triển phù hợp với sự hướng du lịch sinh thái hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện sống của cộng đồng dân cư.
Theo ông Lý Thái Hải - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, tỉnh sẽ hợp tác với Công ty du lịch Sài Gòn theo hình thức hai cùng có lợi.
Các chuyên gia về phát triển du lịch cho rằng Ba Bể nên tập trung vào du lịch sinh thái hồ Ba Bể - hồ trên núi tuyệt đẹp. Tỉnh Bắc Kạn cần tập trung vào một số sản phẩm đặc thù, khai thác giá trị sinh thái, lịch sử của hồ Ba Bể với các điểm đến là các an toàn khu trên địa bàn.
Trước hết, tỉnh cần nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo thuận lợi cho du khách. Ngoài ra, tỉnh phải chú trọng quảng bá hình ảnh vì đây là khâu rất yếu của du lịch Bắc Kạn. Cách đây 12 năm Bắc Kạn đã tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư, từ đó đến nay, chưa có thêm một hội nghị nào được tổ chức.
Ba Bể có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch hang động. Ngoài ra, Bắc Kạn cần chú trọng phát triển du lịch liên kết vùng với Tuyên Quang, Cao Bằng; tổ chức các tuyến du lịch trên sông Năng, sông Gâm bằng các loại thuyền truyền thống hoặc xuồng máy đặc thù phù hợp./.