Nếu trước kia, người ta nhìn nhận văn hóa là lĩnh vực làm giàu đời sống tinh thần người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội thì giờ đây, văn hóa đã được xem là lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP.
Thành phố Hà Nội, với vị trí là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, xác định phát triển công nghiệp văn hóa là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô trong thời gian tới.
Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn phát triển công nghiệp văn hóa là một trong hai nghị quyết chuyên đề trong cả nhiệm kỳ Đại hội 2020-2025.
Nguồn lực góp phần phát triển kinh tế
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.
Tại Hàn Quốc, thị trường âm nhạc, điện ảnh đã mang lại doanh thu lớn, tạo ra làn sóng yêu văn hóa Hàn Quốc ở nhiều quốc gia khác. Thông qua đó, đất nước này còn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp du lịch, thời trang, hóa mỹ phẩm...
Còn thành phố Bangdung (Indonesia) đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nhờ phát triển công nghiệp thời trang với sản phẩm chủ đạo là áo thun.
Dù là lĩnh vực mới mẻ nhưng Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, bắt kịp xu thế của thời đại.
Với 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ thì Hà Nội đều có thế mạnh, gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa, kiến trúc, thiết kế...
Hơn nữa, Hà Nội là đầu mối giao lưu văn hóa lớn của đất nước, các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô có khả năng mở rộng hợp tác quốc tế. Bởi vậy, thành phố đang từng bước khai thác các nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng Hà Nội đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa.
Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn... trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hình ảnh và gia tăng sức hấp dẫn về văn hóa Hà Nội.
Phát triển công nghiệp trong nghệ thuật biểu diễn có ý nghĩa quan trọng, có thể tạo ra cách nhìn nhận, đánh giá, cách thưởng thức mới của công chúng. Các nhà hát chuyên nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, thu về nhiều giá trị lợi ích và đa dạng hóa thành phần tham gia sản xuất hàng hóa.
So với cả nước, Hà Nội đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật, đang từng bước đưa nghệ thuật biểu diễn phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa.
[Hồi sinh các mảng màu cũ, đem lại bản sắc mới cho thành phố Hà Nội]
Hà Nội cũng là một trong hai trung tâm điện ảnh lớn của Việt Nam, hệ thống rạp chiếu phim ở Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về số phòng chiếu phim. Nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế đã được diễn ra tại Hà Nội.
Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, cho rằng điều đáng mừng là trong hơn chục năm qua, thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung, trong đó có Hà Nội, phát triển mạnh, có thể nói mạnh nhất so với thị trường các ngành nghệ thuật ở Việt Nam. Hà Nội đang có nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.
Các lĩnh vực văn hóa khác của Hà Nội cũng đang từng bước định hình, phát triển theo hướng phù hợp thị trường. Thị trường văn hóa vừa là điều kiện bắt buộc, vừa là nền tảng xây dựng nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Động lực để công nghiệp văn hóa phát triển
Các chuyên gia phân tích rằng sự năng động của các ngành công nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa giàu tính ứng dụng và đậm đà bản sắc đang là lợi thế để Hà Nội phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
Nhạc sỹ Quốc Trung, Giám đốc, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa - một sự kiện văn hóa lớn thường niên của Hà Nội, khẳng định để phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta cần đánh giá, tiếp nhận theo hướng tư duy thị trường.
Thành phố nên cởi mở hơn và xóa bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển chung của toàn thành phố.
Nhạc sỹ Quốc Trung cũng cho rằn, nhằm lấp khoảng trống về không gian văn hóa tiêu biểu mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp và cộng đồng, Hà Nội cần quy hoạch để xây dựng, từ đó trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cũng cho rằng thành phố cần xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển ngành công nghiệp văn hóa nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.
Đồng thời, cần tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo phát triển công nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu.
Nhiều năm qua, Hà Nội duy trì quan điểm "Văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển bền vững Thủ đô" trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Không ít nghị quyết, đề án, kế hoạch đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Thành phố đang hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, tạo nền tảng vững chắc, thúc đẩy xây dựng thành phố sáng tạo.
Hiện nay, Thành ủy Hà Nội đang hoàn thiện đề án và nghị quyết "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045."
Theo quan điểm của Hà Nội, phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường để văn hóa thủ đô Hà Nội tham gia cạnh tranh trên thị trường văn hóa quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước.
Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là ưu tiên hàng đầu, là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế.
Thông qua chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Hà Nội từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa.
Đề án và nghị quyết về công nghiệp văn hóa sẽ sớm được ban hành và khi đó, công nghiệp văn hóa sẽ có môi trường thuận lợi để phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố./.