Phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, hài hòa môi trường

Định hướng phát triển này nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu tầm khu vực; thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
Phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, hài hòa môi trường ảnh 1Cầu Vàng trong khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình số 38-CTr/TU ngày 31/1/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.”

Kế hoạch gồm các nhiệm vụ chính như đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên và môi trường, cân đối quỹ đất và địa điểm cho phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác.

Kế hoạch cũng nêu rõ việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW và tiềm năng, thế mạnh của thành phố, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của Đà Nẵng và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế; xây dựng môi trường du lịch và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành du lịch, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, thành phố phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, triển khai hiệu quả các hoạt động phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về du lịch.

[Tổng lực kích cầu du lịch, Đà Nẵng kỳ vọng đón 2,4 triệu lượt khách]

Các cơ quan được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại kế hoạch có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; định kỳ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố tiến độ thực hiện hàng năm.

Trên cơ sở nội dung kế hoạch đã được phê duyệt, các cơ quan được phân công chủ trì xây dựng các nội dung hoạt động hàng năm, đề xuất dự toán kinh phí đảm bảo triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định.

Phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, hài hòa môi trường ảnh 2Khách du lịch tham gia trò chơi canô kéo dù tại biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, cửa ngõ đi và đến các di sản thế giới ở miền Trung, cùng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, các bãi tắm đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch khá đồng bộ, môi trường du lịch được đảm bảo, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện của du khách.

Đà Nẵng còn biết đến với những cây cầu xinh đẹp như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... Đồng thời, thành phố có vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc được thiên nhiên bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan;” phía Tây là Khu Du lịch Bà Nà Hills - một trong những điểm có tiềm năng hút khách du lịch rất lớn; phía Đông Bắc là bán đảo Sơn Trà với nhiều điểm đến ấn tượng mà du khách không thể bỏ qua như chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn Cờ... cùng các bãi tắm biển đẹp trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến Non Nước; phía Đông Nam là danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Đà Nẵng có hệ thống các thiết chế văn hóa nổi tiếng như Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ Thuật, Nhà thờ Con Gà... thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan về nét văn hóa miền Trung Việt Nam.

Các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng, nhiều khu, điểm tham quan du lịch được bổ sung phục vụ du khách như Khu làng Pháp, Fantasy Park của Khu du lịch Bà Nà Hills; suối khoáng nóng núi Thần Tài, khu giải trí Helio Center...

Thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công nhiều lễ hội mang tầm cỡ quốc tế như lễ hội pháo hoa quốc tế, Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E, Lễ hội Cocofest 2016, Cuộc thi Marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Cuộc thi Iron Man 70.3 Việt Nam... Qua đó, thương hiệu điểm đến du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định.

Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, thúc đẩy các ngành, các địa phương cùng vào cuộc tạo đã điều kiện hỗ trợ du lịch phát triển; nâng cao nhận thức người dân thành phố trong việc cùng chung sức phát triển du lịch, gìn giữ môi trường du lịch, tạo hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.