Phát triển du lịch ở cửa ngõ Tây Nam Bộ: Tạo đường tour hấp dẫn

Ngành Du lịch Long An đẩy mạnh các hoạt động kết nối, liên kết và đặt mục tiêu đến năm 2025, giữ vững vị trí tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển du lịch ở cửa ngõ Tây Nam Bộ: Tạo đường tour hấp dẫn ảnh 1Nằm bên sông Vàm Cỏ Đông yên bình, cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 50km, Làng cổ Phước Lộc Thọ to (ở tỉnh lộ 824, xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Với đặc tính là ngành kinh tế tổng hợp gắn với sự di chuyển của du khách, du lịch luôn có tính chất liên vùng, liên kết cao, qua đó gia tăng nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch đến từng địa phương cũng như toàn vùng.

Xác định rõ tầm quan trọng này, ngành Du lịch Long An đẩy mạnh các hoạt động kết nối, liên kết, trên cơ sở đó tăng cường khai thác tiềm năng, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, giữ vững vị trí tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hình thành chuỗi điểm đến “xanh-an toàn”

Nhấn mạnh về giải pháp liên kết, tạo chuỗi các điểm đến “xanh-an toàn,” nhanh chóng phục hồi du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út khẳng định tỉnh mong muốn tăng cường kết nối với các tỉnh, thành, đơn vị quản lý, tạo sự đồng bộ trong việc quy định an toàn phòng, chống dịch để phát triển tuyến, điểm, sản phẩm du lịch an toàn liên vùng, thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế.

Các hoạt động liên kết cụ thể được tỉnh đề ra, chú trọng thực hiện là hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là địa phương cùng trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười là Tiền Giang, Đồng Tháp trong khuôn khổ Đề án "Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030."

[Phát triển du lịch ở cửa ngõ Tây Nam Bộ: Xây dựng thương hiệu]

Bên cạnh đó, Long An phối hợp xây dựng thương hiệu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo tính thống nhất, độc đáo, hấp dẫn nhằm quảng bá sự kiện du lịch chung, thúc đẩy phát triển cả vùng phù hợp chiến lược phát triển vùng đã được Chính phủ phê duyệt.

Ngành Du lịch tỉnh phối hợp cùng đoàn khảo sát kết nối tour, tuyến du lịch giữa các địa phương; xây dựng ấn phẩm liên kết tuyên truyền, quảng bá du lịch. Long An cùng các địa phương tạo môi trường đầu tư thông thoáng, kêu gọi và thu hút nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung, ngành du lịch nói riêng, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển du lịch liên địa phương, du lịch vùng.

Đề cập cụ thể về hoạt động liên kết, tạo những sản phẩm tour, tuyến đặc sắc, đa dạng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Anh Dũng cho biết, du lịch Long An tiếp tục hợp tác, liên kết để thực hiện hiệu quả các tuyến du lịch mang đậm bản sắc văn hóa như tuyến “Những nẻo đường phù sa” theo hướng Quốc lộ 1, xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, về Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến Đất Mũi-Cà Mau; tuyến “Sắc màu vùng biên” đi qua các địa phương có đường bên giới (Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang).

Việc phát triển các tuyến, điểm sẽ được tính toán, linh hoạt điều chỉnh, đảm bảo tính an toàn liên vùng với thông điệp du lịch an toàn, an toàn trong từng trải nghiệm.

Sớm bắt nhịp phục hồi, Khu Du lịch Làng nổi Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, đã nhanh chóng hoàn tất các điều kiện và đón khách an toàn trở lại.

Theo chị Nguyễn Đặng Thị Ngọc Hân, Phòng Kinh doanh, Khu Du lịch Làng nổi Tân Lập, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, khu du lịch đã nối lại hoạt động liên kết, hợp tác với các công ty lữ hành trong cả nước để đưa du khách đến điểm du lịch cùng nằm trên tuyến du lịch Đồng Tháp Mười theo hành trình: Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa) - Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường); Làng nổi Tân Lập - Khu du lịch Cảnh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa) - Khu bảo tồn ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng...

Thời gian tới, khi hoạt động du lịch quốc tế trở lại bình thường, các điểm đến trong hành trình tour sẽ được mở rộng sang nước bạn Campuchia.

Ông Nguyễn Duy Thảo, Giám đốc Khu Du lịch Làng cổ Phước Lộc Thọ ở xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa cho hay khu du lịch có thuận lợi là vị trí gần kề Thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp với những tour du lịch cuối tuần, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), không gian mang nét hoài cổ với hệ thống ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm, mang đặc trưng lối kiến trúc xưa ở ba miền Bắc-Trung-Nam đất nước.

Vì vậy, khu du lịch tiếp tục đẩy mạnh kết nối, hợp tác với công ty lữ hành, đơn vị tổ chức sự kiện để khai thác các tour về thăm nhà cổ, thăm làng quê thanh bình đất Long An bên dòng sông Vàm Cỏ và trải nghiệm hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười để giữ chân khách lưu trú lâu hơn khi đến đây.

Chọn điểm nhấn trong quảng bá

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Anh Dũng, để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn cho các điểm đến, du lịch Long An coi trọng đổi mới xây dựng sản phẩm truyền thông với yêu cầu có tính khái quát cao, chuyển tải được thông điệp, chọn đúng điểm nhấn nhưng không cường điệu quá mức để người dân, du khách đến đều cảm nhận sự hấp dẫn, tính chân thực, luôn có mong muốn được tham quan, khám phá và trải nghiệm không chỉ một lần.

Phát triển du lịch ở cửa ngõ Tây Nam Bộ: Tạo đường tour hấp dẫn ảnh 2Du khách tham quan tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Đặc biệt, vừa qua, Long An đã tham gia Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố châu Á-Thái Bình Dương (TPO) với kỳ vọng giới thiệu, quảng bá toàn diện, liên tục hơn về tài nguyên du lịch, điểm đến, sản phẩm nổi bật đến các thành phố ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kết nối tour từ Long An đến thành phố của bạn và ngược lại thành phố bạn cũng sẽ triển khai nhiều tour đến địa phương.

Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Đỗ Thị Kim Dung cho biết thêm tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến Long An qua các ứng dụng du lịch thông minh. Qua Cổng thông tin Du lịch thông minh tại địa chỉ web https://mylongan.vn, ứng dụng LONG AN TOURISM hay qua mạng xã hội facebook, zalo, ngành du lịch.

Long An giới thiệu đến du khách thông tin về địa điểm du lịch, nơi lưu trú, địa chỉ ẩm thực, tour, tuyến tham khảo, trong đó chú trọng giới thiệu đến du khách “bức tranh” đa dạng, nhiều màu sắc về hành trình tour theo chủ đề như: Về Cần Đước thăm xứ chợ Đào, Miền di sản Thành phố Hồ Chí Minh - Long An; Ký sự hàng cau trên con đường hạnh phúc; du lịch xanh gắn với thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe...

Coi trọng khâu thiết kế, xây dựng và quảng bá, giới thiệu, sản phẩm du lịch, từ góc độ của một doanh nghiệp trực tiếp khai thác nhiều tour đến Long An, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, chia sẻ để tạo sự lan tỏa, doanh nghiệp đa dạng phương thức quảng bá, phát huy ưu thế của mạng xã hội và từ chính du khách đã trải nghiệm sản phẩm.

Một trong những sản phẩm du lịch nông thôn nổi bật tại Long An mà doanh nghiệp khai thác là tour Ký sự hàng cau với hành trình Thành phố Hồ Chí Minh đến các huyện Bến Lức, Tân Trụ (Long An), luôn được giới thiệu ngắn gọn, tập trung vào một số điểm nhấn để du khách thấy rõ sự khác biệt và lựa chọn: đó là một trong số ít tour dài ngày ở Long An, kết hợp cả hoạt động du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và khoảnh khắc khó quên là ngắm hoàng hôn trên sông Vàm Cỏ hay check-in trên con đường được đặt tên "con đường hạnh phúc" chạy giữa cánh đồng lúa xanh mát với hàng cau vua hơn 300 gốc trải dài hơn 2km./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chị Tẩn Tả Mấy, Chủ nhiệm Hợp tác xã cộng đồng người Dao đỏ, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa thực hiện chưng vật liệu truyền thống để sử dụng trong tắm thuốc chữa bệnh. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Khởi động tour du lịch Yoga tại Sa Pa năm 2024

Tham gia tour, du khách sẽ được giới thiệu về bộ môn Thiền chuông, Thiền chuông trị liệu, Thiền chữa lành; tập Thiền và Yoga tại các điểm du lịch tiêu biểu như Khu du lịch Hàm Rồng; Fansipan Legend...