Phát triển Phú Quốc thành "trung tâm du lịch bản sắc Việt Nam, tầm cỡ quốc tế"

Thủ tướng đã chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu đã đề ra xây dựng thành phố đảo Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau khi khảo sát tình hình thực tế, chiều 30/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Phú Quốc về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố và giải quyết các đề xuất để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Với diện tích 593km, có hơn 40 hòn đảo, dân số gần 150.000 người, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng-an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ thành phố, Phú Quốc có 13/30 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội. Riêng năm 2023, giá trị sản xuất Nông-Lâm nghiệp-Thủy sản đạt 4.530 tỷ đồng, đạt 102,95% so kế hoạch; giá trị Công nghiệp-Xây dựng 21.077 tỷ đồng, đạt 99,39% so kế hoạch. Đặc biệt, Phú Quốc thu hút được 2,84 triệu lượt khách, tăng 23,03% so với cùng kỳ. Thu ngân sách 7.812 tỷ đồng, tăng 44,54% so cùng kỳ.

Về thu hút đầu tư, Thành phố hiện có 322 dự án đang triển khai, trong đó có 52 dự án được đưa vào hoạt động với diện tích 1.182,74ha, tổng vốn đầu tư 17.389 tỷ đồng; 78 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 4.367ha, tổng vốn đầu tư khoảng 198.308 tỷ đồng và có 181 dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư với diện tích khoảng 4.626,39ha, tổng vốn đăng ký khoảng 168.092,3 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm được được quan tâm, triển khai thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả quan trọng.

Phát biểu tại buổi làm việc, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng thời gian qua Phú Quốc phát triển khá “nóng.” Do đó, công tác quản lý hành chính, quản lý quy hoạch; quản lý, sử dụng đất đai, đất rừng; quản lý trật tự xây dựng, đô thị, môi trường, tài nguyên khoáng sản, tội phạm, tệ nạn xã hội, bồi thường, giải quyết khiếu nại… có lúc còn hạn chế.

Các đại biểu cũng cho rằng với định hướng xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, thương mại lớn, song hạ tầng ở thành phố còn hạn chế, nguồn lực dành cho phát triển Phú Quốc còn ít. Do đó cần có cơ chế đặc biệt để huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của Phú Quốc.

ttxvn_thu_tuong_13.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án Khu cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Phú Quốc có vị trí chiến lược, nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh về phát triển dịch vụ, du lịch so với nhiều địa phương khác.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều nghị quyết, quyết định, quy hoạch để phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững, trở thành trung tâm du lịch hiện đại, trung tâm văn hóa, dịch vụ, logistics, phát triển kinh tế biển, công nghiệp văn hoá; đồng thời yêu cầu có các chính sách huy động nguồn lực để phát triển Phú Quốc theo mục tiêu đề ra, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước.

Nghị quyết 78/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng ghi nhận biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và thành tựu mà thành phố Phú Quốc đã đạt được; đồng thời chỉ rõ Phú Quốc phải giải bài toán phát triển nóng, chưa thực sự bền vững và chưa dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Nhấn mạnh cần xây dựng thành phố đảo Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, sinh thái, trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại, phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp văn hoá mang tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy hoạch đã được phê duyệt để có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả, bám sát, khai thác và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Theo Thủ tướng, Phú Quốc phải huy động và khơi thông mọi nguồn lực phát triển, lấy nguồn lực bên là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa, hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên; kết hợp giữa nguồn lực Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay, vốn tài trợ và nguồn vốn xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư.

Với quan điểm “quy hoạch tổng thể, lâu dài, chiến lược, còn thực hiện có thể phân kỳ, phù hợp điều kiện nguồn lực” và “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân,” Thủ tướng chỉ đạo Phú Quốc tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại về cả về hạ tầng giao thông, đô thị, xã hội, du lịch, văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, chuyển đổi số, công nghệ thông tin và hạ tầng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, chú trọng thực hiện đột phá đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo đảm nhân lực cho nhu cầu phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; có chính sách phù hợp, khuyến khích, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển thành phố.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng hệ thống y tế hiện đại để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân và du khách, nhất là với những trường hợp khẩn cấp; làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sinh thái trên cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và nâng cao ý thức người dân; chú trọng công tác bảo vệ rừng, sinh thái biển để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; phát huy truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng, bản sắc của Phú Quốc và Kiên Giang; kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, trong nước và quốc tế; tạo điều kiện, khuyến khích cho các hoạt động để phát triển xanh, bền vững như phát triển công nghiệp văn hóa, tổ chức các hội nghị lớn.

ttxvn_thu_tuong_9.jpg
Quang cảnh Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cũng chỉ rõ Phú Quốc phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị của người dân và doanh nghiệp để giải quyết trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển.

Phú Quốc phải làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới đất đai; thực hiện nghiêm quy hoạch được duyệt, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm; tránh tình trạng manh mún; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, bảo đảm an sinh xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, không để ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm sự bình yên cho người dân và du khách, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng du lịch Phú Quốc sẽ phát triển theo hướng xanh, bền vững, có bản sắc riêng trong tổng thể bản sắc du lịch Việt Nam; góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.