Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với nông sản có thế mạnh, tạo nên sức bật mới cho các vùng nông thôn Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nên không tránh khỏi việc trùng lặp các sản phẩm giữa các địa phương.
Làm thế nào để các sản phẩm OCOP luôn đảm bảo chất lượng, thực sự là đặc trưng của vùng miền là bài toán đặt ra trong hành trình phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.
Không để sản phẩm OCOP bị lạm dụng
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương cho biết OCOP ra đời vào năm 2018, xuất phát từ việc chú trọng đến vấn đề phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của người dân ở nông thôn.
“Đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Nhiều sản phẩm OCOP hình thành gắn với vai trò như một ‘đại sứ’ chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng miền. OCOP đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ,” ông Phương Đình Anh cho hay.
[Du lịch nông nghiệp thông qua sản phẩm OCOP là giải pháp bền vững]
Mặc dù đã phát triển khá nhanh về số lượng, nhưng về mặt chất lượng, các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều vấn đề cần chú trọng. Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset đánh giá sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương nhưng khi đã phát triển hơn 10.000 sản phẩm thì việc trùng lặp các sản phẩm đang diễn ra khá nhiều.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói: “Khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chúng ta đều thấy nhiều sản phẩm na ná giống nhau. Ví dụ như quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng khi tới miền Trung cũng được nhận là đặc sản nơi đây.”
Do đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương đó.
Bên cạnh đó, đối với sản phẩm OCOP mang tính thủ công nhiều hơn khi sản xuất công nghiệp đại trà thì sẽ làm mất tính đặc thù thủ công của địa phương đó. Ví dụ như bánh pía Sóc Trăng có từ lâu đời nhưng khi được sản xuất công nghiệp thì đang có mặt ở rất nhiều nơi, nhiều kênh phân phối khác nhau.
Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng bên cạnh việc đồng hành cùng công nghiệp phát triển nhân rộng sản phẩm OCOP thì các địa phương cũng nên chú trọng đến giữ nguyên các nguyên liệu đặc thù, giữ nguyên một số sản phẩm đặc thù riêng biệt cho nguyên địa phương đó.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group đánh giá việc đưa chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Với 65% dân số nông thôn, có liên quan hoặc sống phụ thuộc vào nông nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng chương trình OCOP đang được xã hội đón nhận tích cực, việc phát huy thương hiệu OCOP cũng thể hiện sự đồng thuận xã hội để tạo ra các sản phẩm giá trị. Ở giai đoạn mới, thương hiệu OCOP được khẳng định với những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch.
Trong giai đoạn này, ông Hoàng Anh cho rằng Ban chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa. Ngoài ra, cần quy hoạch vùng miền, các địa điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương để thúc đẩy mua bán các sản phẩm OCOP vùng, góp phần đưa sản phẩm OCOP ra thị trường mạnh mẽ hơn.
“Đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả”
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, đặc điểm sản phẩm OCOP khác với sản phẩm khác là cần có sự tham gia của đông đủ ban, ngành khi đánh giá các tiêu chuẩn đạt được OCOP. Khi chấm một sản phẩm OCOP 4 sao, hội đồng địa phương gồm có các sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, y tế... Hơn nữa, 3 năm sẽ đánh giá lại sản phẩm OCOP một lần để đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị đó lên, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Thứ hai, vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường.
“Thứ ba, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực. Vấn đề phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Trong 5 năm vừa qua, bộ tập trung phát triển OCOP trong nước, phát triển số lượng, củng cố chất lượng. Mỗi đặc sản địa phương mang đặc trưng khác nhau của từng vùng miền. Để phát triển chất lượng, không đánh mất thương hiệu của các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng nên có các tổ kiểm tra định kỳ các sản phẩm OCOP, không để trường hợp 1 lần công nhận có hiệu lực 10 năm.
Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá là đáng mừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các Đại sứ quán, tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu để mở rộng thêm thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP./.