Bài 3: Đảm bảo giao dịch an toàn cho hoạt động thanh toán số

Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực xây dựng nền kinh tế số

Khi các nhà bán lẻ tận dụng ưu thế của bán hàng trực tuyến, mở rộng kênh bán, người tiêu dùng càng mua sắm dễ dàng hơn, song đảm bảo giao dịch an toàn cho thanh toán số là vấn đề đang được đặt ra.
Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực xây dựng nền kinh tế số ảnh 1Mã QR code của một cửa hàng ở chợ Cổ Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Bài 3: Giao dịch an toàn cho thanh toán số

Thói quen mua sắm và thanh toán của người dân đã có những thay đổi đáng kể sau đại dịch COVID-19.

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, xu hướng thanh toán số cũng phát triển mạnh song việc đảm bảo giao dịch an toàn cho thanh toán số là vấn đề đang được đặt ra. 

Dần thay thế thanh toán tiền mặt

Việc mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử đã trở nên khá phổ biến. Nhiều người thường chọn thanh toán online qua thẻ ngân hàng hay ví điện tử ngay từ khi đặt mua hàng nhưng ngược lại, cũng có người chọn nhận hàng rồi mới trả tiền (COD).

Chị Quỳnh Trang, nhân viên văn phòng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là một trong số đó. "Dù là một tín đồ mua sắm nhưng tôi thường chọn hình thức thanh toán COD khi mua các món hàng giá trị cao hoặc một số đồ thời trang, điện tử... Ưu điểm là tôi sẽ được kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán, nhưng nhược điểm lại là luôn phải chuẩn bị tiền mặt. Nhiều hôm chờ đổi tiền, trả lại tiền thừa cũng rất mất thời gian," chị Trang chia sẻ.

Tuy nhiên, từ khoảng một năm trở lại đây, tín đồ mua sắm này đã không còn phải lo chuẩn bị tiền mặt: "Kể từ khi có mã QR, tôi chỉ cần cầm điện thoại, mở ứng dụng ngân hàng ra là đã có thể thanh toán tiền hàng nhanh chóng, không còn phải kè kè tiền mặt trong người hay nhập những dòng số tài khoản dài dễ sai sót, chuyển tiền nhầm lẫn nữa."

Theo một nhân viên giao hàng tại Hà Nội, thanh toán tiền qua mã QR không chỉ tiết kiệm thời gian giao nhận-thanh toán, đảm bảo tiền đến đúng tài khoản mà còn giúp tài xế giảm được hàng chục km di chuyển mỗi ngày.

"Thông thường, nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, người giao hàng phải trở về bưu cục để đối soát và nộp lại trực tiếp. Nhưng khi thanh toán bằng mã QR, chúng tôi có thể tra soát ngay trên ứng dụng và chuyển khoản về công ty, tiết kiệm đến cả 15-20km di chuyển qua lại mỗi ngày," nhân viên này cho hay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng thanh toán không dùng tiền mặt tính đến hết tháng 11/2022 đã có sự tăng trưởng khoảng 85% về số lượng giao dịch và 31% về giá trị giao dịch. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt qua quét mã QR, điện thoại di động và Internet đều tăng trưởng mạnh, lần lượt là 185%, 116% và 89%.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhận định giá trị giao dịch và số lượng giao dịch có sự chênh lệch và giá trị thường thấp hơn.

Tuy nhiên, điểm thấp này không đáng lo ngại mà ngược lại còn là tín hiệu mừng. Bởi những khoản thanh toán giá trị thấp gia tăng chứng tỏ người dân đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.

Đáng chú ý, hình thức thanh toán bằng quét QR và điện thoại di động đã ghi nhận sự tăng trưởng đến 3 con số cũng nói lên rằng người dân đang ngày càng quen với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Không chỉ với người dân tại các đô thị, thành phố lớn, ngay cả ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang dần phổ cập.

Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực xây dựng nền kinh tế số ảnh 2Khách mua hàng thanh toán qua ứng dụng tại chợ Cổ Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết Thông tư 16/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức định danh trực tuyến (eKYC).

Do đó, bất cứ người dân nào dù ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền núi, chỉ cần có điện thoại di động và căn cước công dân gắn chip là có thể mở được tài khoản ngân hàng mà không cần phải đến phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng.

[Phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2021-2025]

"Nếu tiếp tục mở rộng áp dụng định danh trực tuyến (eKYC) với các dịch vụ khác như cho vay online... sẽ phổ cập được nhiều dịch vụ tài chính số đến với người dân ở mọi vùng miền," ông Lân chia sẻ.

Chưa dừng ở đó, ông Nguyễn Đăng Hùng còn cho biết năm 2022, ngành ngân hàng đã hợp tác với ngành thông tin truyền thông tổ chức lễ kết nối liên thông giữa tài khoản Mobile Money (tiền di động) với tài khoản thanh toán tại ngân hàng thông qua hệ thống Chuyển tiền nhanh NAPAS 247, giúp Mobile Money phát triển theo đúng kỳ vọng của chính phủ trong triển khai đưa thanh toán không dùng tiền mặt về vùng sâu vùng xa.

Những số liệu ban đầu của Mobile Money cũng đã thể hiện rõ điều đó với hơn 70% người dùng Mobile Money đang sống tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Đảm bảo giao dịch an toàn

Hiện nay, các sàn thương mại điện tử đều cho phép khách hàng thanh toán bằng ví điện tử như MoMo, ZaloPay, ShopeePay… Hay thậm chí, có sàn còn "bắt tay" với các ngân hàng để cho ra đời các sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu với loạt ưu đãi, khuyến mãi đặc quyền như thẻ Sacombank Tiki Platinum, VPBank-Shopee...

Tuy vậy, tỷ lệ thanh toán tiền mặt khi tham gia thương mại điện tử theo số liệu từ Bộ Công Thương vẫn ở mức khá cao, lên tới 73% vào năm 2021, dù đã giảm xuống từ mức 78% của năm 2020.

Nhiều chuyên gia cho rằng một mặt là bởi thanh toán tiền mặt đã là tập quán, thói quen của người dân từ lâu, mặt khác, không ít vụ việc bị lừa đảo, mất tiền trong tài khoản cũng khiến người dùng lo lắng về tính an toàn, bảo mật của các phương thức thanh toán số.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, cần phải nhìn nhận rằng việc ứng dụng công nghệ cao vào trong các dịch vụ tài chính ngân hàng đã giúp người dân và thị trường có được những dịch vụ tiết kiệm hơn, tiện ích hơn cho cuộc sống.

Khi triển khai dịch vụ mới, các ngân hàng, công ty tài chính đều có những quy định và biện pháp phòng ngừa, chống lại tội phạm công nghệ cao, đảm bảo người dùng không bị lạm dụng, lừa đảo...

Tuy vậy, các ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ tài chính cũng cần phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí để truyền thông, chia sẻ, hướng dẫn cho người dân, khách hàng về nhận diện những nguy cơ rủi ro, hình thức lừa đảo của tội phạm công nghệ cao để tự bảo vệ bản thân khi giao dịch.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn bảo mật thông tin là một trong những vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số.

Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực xây dựng nền kinh tế số ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

"Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, chữ ký số và nhiều hoạt động số hóa khác, vấn đề bảo mật là điều các ngân hàng, công ty tài chính phải đặc biệt quan tâm. Phát triển nền tảng hạ tầng số mang tính chuyên môn, chuyên ngành, đảm bảo an toàn hệ thống đặt ra bài toán lớn với không chỉ ngành tài chính ngân hàng mà cả hệ thống thông tin bảo mật quốc gia," ông Thịnh cho hay.

Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2022, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Bộ Công Thương phát hành, ghi nhận quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử vẫn đang tăng trưởng ở mức 16% mỗi năm.

Bộ Công Thương nhận định việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt giúp đảm bảo tính minh bạch, an toàn dòng tiền, từ đó giúp thương mại điện tử Việt Nam duy trì mức tăng trưởng 2 con số.

Về phía ngành ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, đặc biệt tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, tổng kết thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị kịp thời về các vấn đề rủi ro, các giải pháp tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử.../.

[Bài 1: Đưa thương mại điện tử thành bệ phóng của nền kinh tế số]

[Bài 2: Mở rộng xu hướng bán hàng đa kênh trong thương mại điện tử]

Bài 4: Thách thức quản lý thuế

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.