Chiều 3/12, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016, các đại biểu đã chất vấn các vấn đề phòng cháy chữa cháy; nhà tái định cư và xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng; nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, vấn đề phòng cháy chữa cháy đã khiến nghị trường thực sự "nóng."
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, nêu ý kiến qua giám sát cho thấy tại các chung cư tái định cư, ngoài khâu quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, hệ thống phòng chống chữa cháy ở những tòa này cũng đang ở mức báo động nguy hiểm khi không có hệ thống chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường, nếu xảy ra cháy sẽ là thảm họa.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Sóc Sơn) chất vấn thành phố rất quan tâm phòng cháy chữa cháy, nhưng nhu cầu xây dựng nhà chung cư phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng ngày càng cao, các trung tâm thương mại ngày càng có quy mô lớn... Vậy việc phòng cháy chữa cháy ở các nơi này ra sao? Giải pháp của thành phố về khắc phục vấn đề giao thông khi triển khai lực lượng phòng cháy chữa cháy như thế nào cho hiệu quả. Bởi thực tế, khi xảy cháy, để phương tiện tới ứng cứu kịp thời cũng không đơn giản.
Trả lời về vấn đề này, Đại tá Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội - cho biết nguyên nhân tồn tại, tiềm ẩn là có nhiều nhà và công trình được xây dựng, đi vào hoạt động trước khi có Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001. Lúc đó, những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu chưa được hình thành, quy định rõ ràng nên Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng mà chưa quan tâm đến điều kiện tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy có hay chưa.
Với chủ đầu tư tại thời điểm đó có thể không biết hoặc làm ngơ, miễn là sớm có giấy phép, giảm được kinh phí. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do nhận thức, chạy theo lợi nhuận, bộ máy cán bộ thực thi nhiệm vụ về năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm còn hạn chế, còn yếu.
Thành phố Hà Nội hiện có 890 nhà và công trình cao tầng chuyên năng khác; trong đó có gần 780 công trình đã đưa vào hoạt động và 112 công trình đang thi công. Ngay cả các công trình đang thi công, qua thực tiễn thấy có nhiều tồn tại bấp cập, gây cháy, hoả hoạn.
Về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng phần trả lời của Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội là chưa rõ ràng, chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ của ngành. Qua giám sát, nguy cơ cháy nổ trên địa bàn đang tiềm ẩn ở mức rất cao, nếu không phòng chống thì hậu quả rất nghiêm trọng. Một số đơn vị, ban, ngành, quận, huyện, thị trấn chưa thực sự chú trọng tới công tác phòng cháy chữa cháy. Việc tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho người dân, đơn vị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị người đứng đầu các quận, huyện, sở, ngành phải tăng cường trách nhiệm; cơ quan phòng cháy chữa cháy phải tăng cường tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, tập trung xây dựng lực lượng, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư, doanh nghiệp... có nguy cơ cháy nổ cao, sớm trình Ủy ban Nhân dân thành phố quy hoạch về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
Thực tế cho thấy ở Hà Nội hiện nhiều chung cư cao tầng vẫn được cấp phép xây dựng, dù hồ sơ phòng cháy chữa cháy chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư đã cho phép người dân vào ở, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân. Việc thực thi Luật phòng cháy chữa cháy tại một số nơi và một số thời điểm trên địa bàn Hà Nội đang bị coi nhẹ.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố xảy ra 145 vụ cháy, làm 8 người chết và 29 người bị thương./.