Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và 7 Bộ trưởng giải trình làm rõ các vấn đề

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp - TTXVN)
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp - TTXVN)

Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.

Trong ngày thảo luận cuối cùng về nội dung kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch các tỉnh, quy hoạch hợp lý các ngành kinh tế, lĩnh vực và địa bàn trọng điểm; vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường; vấn đề an ninh mạng và quản lý các chương trình truyền thông; an ninh lương thực quốc gia; kiểm soát phát triển năng lượng sạch; phát triển thủy sản; bảo đảm an toàn giao thông; về đổi mới giáo dục; về chi ngân sách nhà nước; về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An...

Đề xuất các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030 nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhiều đại biểu nêu lên vấn đề về cải cách bộ máy Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ cấu lại kinh tế khu vực miền núi; việc xây dựng các thủy điện nhỏ và vừa; phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; thực hiện đồng bộ các chính sách phòng, chống thiên tai; sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai; bảo vệ và phát triển rừng; chương trình hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho người dân ở các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; xây dựng tiêu chí về chỉ tiêu chi ngân sách nhà nước hàng năm; phân bổ ngân sách Trung ương; rà soát, cắt giảm mạnh chi ngân sách thường xuyên để tập trung chi đầu tư phát triển; nghiên cứu giảm dần cơ chế lồng ghép ngân sách để đảm bảo tính chủ động của ngân sách địa phương; sớm sửa đổi các chính sách về thuế để đảm bảo tính trung lập của thuế; chỉ đạo quyết liệt trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thuế, chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, nợ đọng thuế...

[Quốc hội: Đánh giá lại quy mô GDP để nhận diện chính xác nền kinh tế]

Trong ngày thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và 7 Bộ trưởng giải trình làm rõ các vấn đề ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phát biểu kết thúc 3 ngày thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 112 đại biểu phát biểu; có 4 đại biểu phát biểu lần 2; có 18 đại biểu tham gia tranh luận; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và 7 Bộ trưởng phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nội dung thảo luận bao quát, toàn diện và đi sâu vào những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ và cho rằng, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn, do đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu làm cho kinh tế toàn cầu suy thoái, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhiều ý kiến đồng tình với dự báo tăng trưởng năm 2020 như Chính phủ dự kiến khoảng từ 2- 3%.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự linh hoạt và cụ thể hóa kịp thời của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước; đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành những chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội, miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, phí, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân.

Nhiều ý kiến đề nghị, trong những tháng còn lại của năm 2020, Chính phủ và chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đề ra; tập trung giải quyết, tháo gỡ các hạn chế, vướng mắc nhằm đạt kết quả tốt nhất các nhiệm vụ của năm 2020.

Ngày mai 6/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục