Ngày 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67, đến nay có 23/28 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới 628 tàu.
Tính đến ngày 24/4/2015, các ngân hàng thương mại đã nhận được 157 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17/23 tỉnh, thành phố, ký hợp đồng tín dụng đóng mới nâng cấp 31 tàu với tổng số tiền là hơn 270 tỷ đồng.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai thực hiện các chính sách miễn thuế tài nguyên, môn bài, miễn thu tiền lệ phí trước bạ, tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế nhập khẩu và thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng giá trị được bảo hiểm gần 3.000 tỷ đồng...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mục tiêu phát triển đội tàu cá vỏ thép, trang bị hiện đại đã đạt được theo đúng định hướng của Chính phủ. Số tàu cá vỏ thép đóng mới đạt 50% và số tàu có tổng công suất máy từ 800 CV trở lên chiếm 60% tổng số tàu được phê duyệt.
Tuy nhiên, các địa phương, ngư dân còn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu. Ngoài ra, các địa phương chỉ tập trung vào khai thác tín dụng vay vốn đóng tàu mà chưa quan tâm triển khai đồng bộ các nhóm chính sách khác như chính sách đầu tư, thuế, bảo hiểm, vốn lưu động...
Một số chính sách về tín dụng vẫn còn nhiều cản trở, nhất là quy định mức vay tối đa và tối thiểu. Lãi suất vay vốn lưu động ở mức 7%/năm cũng chưa đủ hấp dẫn chủ tàu, bởi không thấp hơn nhiều so với lãi suất vốn vay thông thường nhưng lại cần nhiều thủ tục.
Thảo luận tại hội nghị, các Bộ, ngành địa phương đã tập trung đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 67, như về sử dụng máy tàu khi đóng mới, quy định nâng cấp tàu cá phải thay máy mới có công suất 400 CV trở lên mới được hỗ trợ lãi suất vay...
Đối với thiết kế mẫu vỏ thép, theo phản ánh của nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thiết kế chi tiết đối với các tàu cụ thể theo 21 thiết kế mẫu được công bố. Do đó ngư dân chưa được hỗ trợ chi phí sửa đổi.
Đại diện các địa phương cũng đề nghị các ngân hàng thương mại của Nhà nước tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo tích cực để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ngư dân tiếp cận được nguồn vốn. Bên cạnh đó, cũng cần chấn chỉnh các chi nhánh ngân hàng không thực hiện đúng nhiệm vụ đảm bảo các yêu cầu cho vay đối với ngư dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ chiến lược biển Việt Nam được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị xác định đẩy mạnh việc khai thác các nguồn lợi thuỷ sản để xây dựng đất nước ta mạnh về biển, giàu về biển. Do đó, Chính phủ ban hành Nghị định 67 với mục tiêu xuyên suốt là khuyến khích ngư dân bám biển, hành nghề đánh bắt cá.
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu của Nghị quyết 67 để hoàn thiện chính sách, có các giải pháp phù hợp nhằm tổ chức lại nghề cá hay tái cơ cấu ngành thủy sản.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các chính sách khuyến khích đóng tàu lớn, nhưng phải vững chắc, để có thể khai thác xa bờ phù hợp với lợi thế từng địa phương. Từ đó, giúp cho ngư dân ổn định sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.